Người gửi: Phan Cuong
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Mỹ và cuộc chiến I-răc
Tôi rất quan tâm theo dõi cuộc tranh luận của các bạn về vấn đề Mỹ và chiến tranh Iraq. Việc nhìn nhận và đánh giá cuộc chiến một cách toàn diện, đầy đủ và sâu sắc có lẽ sẽ phải hàng chục năm sau mới có thể có được khi các bên liên quan trực tiếp được phép công bố các thông tin bí mật của họ. Tuy nhiên, cái tôi quan tâm chính là một vài so sánh và phân tích hiện nay về cuộc chiến này.
Trên cơ sở các thông tin hiện có (xin nhấn mạnh từ nhiều chiều) có thể thấy cơ sở pháp lý cho Mỹ và liên minh đưa quân vào Iraq là không đủ sức thuyết phục. Liên tiếp tại các cuộc họp HĐBA-LHQ, những bằng chứng do Mỹ đưa ra đều lần lượt bị chính IAEA bác bỏ, ví dụ các bằng chứng về nhà máy sản xuất hạt nhân di động, khả năng của Iraq triển khai vũ khí giết người hàng loạt trong vòng 48 giờ...... Ngay cả sau cuộc chiến, Mỹ cũng có những đoàn thanh sát vũ khí riêng nhưng cũng không phát hiện thêm dấu hiệu nào là Iraq có vũ khí giết người hàng loạt. Gần đây nhất là hôm qua, Mỹ đã tuyên bố rút bớt một nhóm thanh sát vũ khí cho thấy hy vọng tìm được dấu vết của WMD là ít có. Như vậy, có thể nói cơ sở pháp lý để Mỹ đưa quân vào Iraq là không có.
Về cơ sở đạo lý, không thể phủ nhận một điều rằng chế độ của Saddam là độc tài, thậm chí có nhiều nợ máu với nhân dân Iraq. Tuy nhiên, trên thế giới có rất nhiều các chế độ độc tài, chuyên chế khác mà Mỹ lại không can thiệp bằng cách dùng quân sự, ví dụ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, chính sách đàn áp của chính phủ Israel với người Palestine.....đây cũng chính là lý do Mỹ bị chỉ trích nhiều bởi việc áp dụng các giá trị hai mặt trong việc giải quyết các xung đột trên thế giới.
Mặc dầu vậy, nếu có thể chấp nhận cơ sở đạo lý này, có nghĩa là chế độ Saddam là không thể chấp nhận được với cả người dân Iraq và an ninh của Mỹ nói riêng và việc Mỹ đưa quân vào Iraq là để giải phóng một dân tộc thì câu hỏi lịch sử đặt ra ở đây mà nhiều bạn chưa đề cập đến khi so sánh là tại sao trong khi việc Việt Nam đưa quân vào Căm-pu-chia với lý do tương tự thì bị lại bị coi là "xâm lược" và bị Mỹ cấm vận hơn 20 năm? Trong khi đó, có thể nói mức độ tội ác diệt chủng thì có thể nói chế độ Pôn-pôt vượt xa nhiều lần chế độ Saddam.
Như vậy, rõ ràng là việc áp dụng các quy chuẩn quan hệ quốc tế cả về đạo lý cũng như pháp lý sẽ dễ bóp méo theo lợi ích của các nước lớn. Chính từ lý do như vậy, Pháp, Đức và một số nước "tư bản già cỗi" khác đã lo ngại một nước Mỹ hùng mạnh cả về quân sự và kinh tế sẽ có xu hướng thiên về chủ nghĩa đơn cực hơn là đa cực trong giải quyết các mối quan hệ quốc tế. Đây là một trong các lý do khiến Pháp và Đức phản ứng mạnh với chiến tranh của Mỹ ở Iraq.
Vấn đề chủ nghĩa đơn cực của Mỹ chỉ xuất hiện mạnh và rõ sau ba sự kiện/thời gian chính: 1) Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu vào đầu thập niên 90 dường như khẳng định các giá trị dân chủ của Mỹ; 2) Cuộc chiến Iraq lần thứ nhất xoá đi hội chứng Việt Nam và mặc cảm quân sự của Mỹ; và 3) gần một thập kỷ phát triển kinh tế và tích tụ tư bản dưới thời kỳ Bill Clinton. Với sự tự hào về các giá trị dân chủ, sức mạnh quân sự và kinh tế, đã tạo ra một niềm tin và tự hào dân tộc mạnh mẽ của người dân Mỹ vào cuối thập niên 90.
Đây cũng chính là cơ sở vận động tranh cử của Bush cũng như Al Gore. Cả hai ứng cử viên Tổng thống này đều đánh rất mạnh vào niềm tự hào dân tộc Mỹ, nghĩa vụ và trách nhiệm của Mỹ trong việc truyền bá các giá trị dân chủ nhân quyền của mình. Do vậy, về thực chất, nếu Gore trúng cử có lẽ chính sách đối ngoại cũng sẽ không khác Bush nhiều vì thực sự đây cũng chỉ là sự phản ảnh lại một luồng tâm lý và quan điểm của công chúng Mỹ. Có lẽ điểm khác duy nhất là Gore có kinh nghiệm đối ngoại hơn nên có thể sẽ mềm dẻo hơn trong vận động các đồng minh Pháp, Đức tham gia cuộc chiến và không đến mức phải có những câu tuyên bố quá khích như gọi những nước này là "tư bản già cỗi".
Từ điểm này, xin khái quát lại chủ nghĩa đơn cực trong quan hệ quốc tế là một hiện tượng phổ biến với một cường quốc sau khi đã tích tụ đủ các sức mạnh về kinh tế, quân sự và tự khoác cho mình nghĩa vụ quốc tế như Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, đây là một chu kỳ. Để có chi phí cho các sự can dự của mình ở các điểm nóng trên thế giới, đòi hỏi Mỹ phải có 1) chi phí lớn; 2) sự ủng hộ của người dân Mỹ với chính sách can dự dài hạn của mình. Xét về mặt kinh tế, đây là hai yếu tố mâu thuẫn nhau và là nguyên nhân chính cho sự xoá sổ của nhiều cường quốc theo đuổi chủ nghĩa đơn cực. Nói đơn giản, để có chi phí lớn cần huy động hoặc từ các nguồn lực bên ngoài hoặc các nguồn lực bên trong, hoặc cả hai. Mỹ đã không huy động được các nguồn lực kinh tế từ bên ngoài cho cuộc chiến Iraq. Mỹ cũng không thể huy động được nguồn lực trong nước vì chính sách cắt giảm thuế để lấy lòng dân Mỹ của chính quyền Bush. Cộng thêm với thâm hụt thương mại và nợ gia tăng nhanh chóng, cuộc chiến của Mỹ tại Iraq sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện và sâu sắc nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Cho đến nay, động cơ tăng trưởng chính của Mỹ là chi tiêu trong nước đã khiến nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng. Nhưng động cơ này không kéo dài được lâu vì để làm như vậy, Mỹ phải tăng cường bảo hộ thị trường trong nước, một điều rất khó làm với một nền kinh tế tự do như Mỹ. Đây cũng chính là một điểm tương tự với chiến tranh Việt Nam theo khía cạnh kinh tế mà ít bạn đề cập đến. Do sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, chính quyền Nixon đã phải tuyên bố thả nổi đồng đôla vào năm 1972, bất chấp sự can thiệp của các đồng minh mạnh như Nhật và Đức hỗ trợ Mỹ bằng cách tung tiền ra mua đôla. Tại cuộc chiến với Iraq, Mỹ không có sự hỗ trợ này.
Tóm lại, một vài phân tích nhỏ, không theo một mạch nào cả để đóng góp thêm cho cuộc tranh luận về Mỹ và Iraq.