Tác giả bài viết "Không thỏa hiệp với thói quen ăn chặn tiền 'thối'" cho rằng "việc tip cho tài xế, shipper ít tiền lẻ là việc làm tốt, nên khuyến khích, nhưng phải được xuất phát từ sự tự nguyện của người mua chứ không nằm ở sự quyết định của người bán". Tôi cho rằng, ở một phương diện nào đó, ý kiến trên khá xác đáng. Tuy nhiên, thực tế, việc bỏ thêm vài ba ngàn đồng tiền lẻ có thể chẳng làm người trả tiền nghèo đi bao nhiêu, nhưng với rất nhiều người nhận, đó lại là niềm vui và sự tôn trọng.
Tôi hay đi xe công nghệ, và nhận đồ từ shipper, dù có đôi lúc, tôi cũng bất mãn với tài xế, nhưng khi trả tiền, tôi vẫn luôn chủ động gửi thêm hoặc chí ít là làm tròn lên số tiền phải trả. Bởi, tôi thấy nó xứng đáng với công sức mà người làm dịch vụ bỏ ra. Thực tế, với rất nhiều người làm ngành dịch vụ, số tiền nhỏ cho thêm mà phần đông chúng ta xem là "chẳng đáng bao nhiêu" ấy lại rất quan trọng.
Có một số người cho rằng việc tip cho người làm dịch vụ tồi là không thể chấp nhận vì sẽ tạo thói quen đòi hỏi. Nhưng tôi cho rằng, đánh giá tồi hay không còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Nhiều người khách hàng đòi quyền lợi, chất lượng phục vụ rất cao, kiểu như ban ơn cho người làm dịch vụ vậy.
Đi xe buýt, thấy nhân viên nhà xe không tươi cười, đon đả là có người cũng lên mạng "bóc phốt". Có người đi xe công nghệ, thấy tài xế không nói chuyện vui vẻ cũng đánh giá một sao. Lại có người đi ăn ở quán đông, thấy nhân viên lỡ quên đồ là lớn tiếng mắng mỏ. Còn có người ra chợ thấy các cô, các bác nói chuyện bỗ bã liền đánh giá là thiếu văn minh lịch sự...
>> Tôi không cho phép thiếu một đồng tiền 'thối'
Với riêng tôi, chỉ cần người phục vụ hoàn thành công việc của họ, không chửi bới hay xúc phạm gì mình, là tôi đã cảm thấy hài lòng rồi. Ví dụ, tôi đi taxi, mục đích đơn giản chỉ là từ điểm A đến được điểm B. Nếu tôi được đón ở đúng điểm mình yêu cầu và được đưa đến nơi an toàn, như thế với tôi là hài lòng. Tôi chẳng cần và cũng không quan tâm đến thái độ của tài xế có xởi lởi, hỏi han này nọ hay không?
Còn đối với nhân viên xe buýt, có người cứ đòi hỏi họ phải tươi cười, niềm nở. Nhưng tôi cho rằng, nhiệm vụ chính của họ là lái xe, thu tiền, xe vé, thông báo các trạm nghỉ, đảm bảo trật tự, an toàn trên xe. Họ chẳng có nghĩa vụ phải "tươi như hoa" hay giãn cơ mặt với tất cả hành khách nhất là khi đã phải làm việc quần quật từ sớm hôm đến tói muộn. Hay như khi xem một tiểu phẩm hài, tôi chỉ cần nó khiến tôi cười là hoàn thành nhiệm vụ, không cần nó phải có ý nghĩa sâu xa, sâu sắc này kia thì mới hài lòng.
Và cứ hài lòng là tôi sẽ tip cho họ theo kiểu làm tròn tiền lên như một thói quen. Số tiền đó có thể ít ỏi với tôi (chỉ vài ngàn đồng) nhưng với người làm dịch vụ, gom góp lại vài vị khách như thế cũng sẽ là khá nhiều với họ. Tất nhiên, số tiền ấy cũng chẳng thể khiến họ đổi đời hay trở nên giàu có gì cả, chỉ là như một món quà tinh thần nhỏ giúp họ có thêm động lực để làm việc tốt hơn.
Tóm lại, xin nhấn mạnh lại một lần nữa, dịch vụ tốt hay không là tùy vào quan điểm của mỗi người. Nhưng tôi mong, người Việt hãy ngừng nghĩ mình là trung tâm, là "thượng đế", luôn đòi hỏi thái quá từ những người phục vụ, bắt họ phải cung phụng mình. Sống phiên phiến, dễ chịu, bớt xét nét một chút, tôi tin các bạn sẽ thấy người làm dịch vụ ở Việt Nam cũng rất dễ thương và thân thiện đó chứ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.