Đưa ôtô đi rửa ngày cận Tết, tôi tá hỏa khi tiệm nào cũng tăng giá chóng mặt gấp ba, bốn lần ngày thường. Nếu như trong năm, giá rửa xe chủ yếu dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng thì nay nơi rẻ nhất cũng "hét giá" 150.000 đồng. Thậm chí, có nơi còn trưng biển công khai giá 300 nghìn đồng với lý do "thiếu nhân viên làm việc ngày Tết nên phải tăng giá dịch vụ". Dạo một vòng qua hàng chục cửa hàng rửa xe đều thấy tăng giá nhiều lần, tôi đành "cắn răng" ghé vào một tiệm vắng nhất.
Thế đó, cứ đến những ngày gần Tết, câu chuyện rửa xe lại khiến cánh tài xế chúng tôi đau đầu. Buộc phải chấp nhận giá cao, đã vậy không phải muốn được phục vụ nhanh là được. Tiệm nào khách cũng phải xếp hàng dài cả buổi, thậm chí phải gửi lại xe qua đêm. Khách đông nên cánh thợ cũng làm việc qua loa, rửa ào ào cho nhanh chứ chẳng kỹ lưỡng, sạch sẽ như mọi ngày. Thế nên, cảm giác trong tôi luôn là thấy bị "chặt chém" nhưng đổi lại là một dịch vụ không như ý.
Khu tôi ở, biết cơ hội kiếm tiền dễ dàng, nhiều gia đình còn vác xô, chậu, kéo vòi bơm nước ra tận vỉa hè để tranh thủ nhận rửa xe. Ấy vậy mà họ cũng kiếm tiền triệu mỗi ngày. Tình trạng này lại khiến tôi nhớ đến mấy đợt phố đi bộ mở cửa cuối tuần, hay chùa miếu ngày Tết, người dân xung quanh cũng tranh thủ nhận trông xe giá "cắt cổ" để thu lời. Rồi còn cả những bát bún với ba con ốc vặn có giá cả trăm nghìn đồng được bán sau Tết... Có vẻ như chuyện chớp thời cơ để "làm tiền" đã không còn xa lạ với người Việt.
>> Dừng 'chặt chém' để cứu chợ Bến Thành
Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, các cở sở, cá nhân tăng giá trục lợi đó chỉ có thể tồn tại khi người dân vẫn chấp nhận sử dụng dịch vụ của họ. Chính vì nhiều người vẫn móc hầu bao trả tiền gấp vài lần giá bình thường với tâm lý "Tết mà", nên chuyện "chặt chém" cũng dần trở thành một cái nếp khó bỏ. Ngày nào khách hàng còn thỏa hiệp, ngày nó nạn tự ý tăng giá ngày Tết còn tiếp diễn.
Có người nói: "Sao biết gần Tết tăng giá không đem xe đi mà rửa sớm cho rẻ?". Nhưng tôi lại nghĩ khác, sao chúng ta phải chấp nhận chịu giá cao chỉ vì gần Tết? Ai chẳng muốn xe đẹp để đón Tết. Đâu phải lỗi lầm gì khi rửa xe vào thời điểm cuối năm để đi khai xuân. Thế nên, nhu cầu này là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề ở đây là chúng ta phải có biện pháp đảm bảo bình ổn giá dịch vụ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Từ trước đến nay, chúng ta có nhiều hành động nhằm bình ổn giá cả thị trường, tuy nhiên, chuyện tự ý tăng giá, "chặt chém" ngày Tết lại dường như chưa được đánh giá và quan tâm đúng mực. Liệu bạn có thấy nhức nhối khi nhìn những tấm biển công khai tăng giá ba, bốn lần đang được treo đầy ngoài phố kia không?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.