Một hình ảnh thường thấy ở các siêu thị, cửa hàng tại Việt Nam, là người bán dùng kẹo để thay cho năm trăm đồng, một nghìn đồng tiền thối (trả lại) khách. Thậm chí nhiều chỗ, người bán hàng thản nhiên bỏ qua vài trăm đồng tiền thiếu, rồi tỏ thái độ khinh khi với những khách hàng cương quyết chờ lấy lại số tiền nhỏ này.
Độc giả Chinhth từng nhiều lần rơi vào trường hợp tương tự: "Tôi từng có thói quen đi xe buýt thời sinh viên. Có lần, tôi quên không đổi tiền lẻ nên đưa cho chú bán vé 100.000 đồng kèm theo lời xin lỗi. Chú ấy đếm và trả lại tôi đúng 97.000 đồng tiền mệnh giá 1.000, 2.000 đồng như một kiểu dằn mặt, dù trên tay chú có đủ mệnh giá tiền lớn hơn. Tôi biết nhiều bạn sinh viên khác cũng từng trải qua tình huống này.
Lần khác, đồng nghiệp của tôi gửi xe máy để đi làm, phí gửi xe là 3.000 đồng một ngày, nhưng lần nào bạn cũng đưa 5.000 đồng và không thấy chú bảo vệ trả lại. Nghĩ cũng không đáng là bao, nên bạn không bao giờ hỏi, coi như biếu chú ly trà đá. Hàng năm trời như vậy chứ không phải một vài ngày.
Cho đến một hôm bạn quên không đổi tiền lẻ, trong ví chỉ có tờ 200.000 đồng, nên đành xin cho nợ đến mai trả bù, nhưng chú nhất định không nghe. Chú nhất quyết đòi lấy tiền và chỉ trả lại 195.000 đồng. Bực mình vì hành động đó, bạn tôi đòi trả đủ tiền vì giá chỉ có 3.000 đồng một lượt. Từ sau lần đó, hôm nào bạn cũng đưa 5.000 đồng nhưng nhất định đòi lại 2.000 đồng tiền lẻ. Quả thực, tôi chưa thấy ai chê tiền lẻ, chỉ là thái độ của người với người mà thôi".
Đồng cảm với nỗi bức xúc khi bị "ăn chặn" tiền thừa, bạn đọc Kanny chia sẻ câu chuyện mình gặp phải: "Tôi có gặp một trường hợp ở nhà thuốc lớn. Sản phẩm tôi mua có giá 14.000 đồng. Vì không có tiền lẻ nên tôi trả 15.000 đồng. Người bán hàng nhận tiền những mặc nhiên không thối tiền lại cho tôi, cũng không một lời giải thích. Dù không có tiền trả lại, ít nhất người bán cũng phải có một câu xin lỗi chứ không thể im im như không. Tôi tự dặn lòng sẽ không bao giờ quay lại đó nữa".
Trong khi đó, độc giả Thanhhuyenpht cho rằng: "Tôi là người khá trân trọng tiền bạc, cứ như một thói quen, nhận được tiền từ người khác là tôi sẽ duỗi thẳng tờ tiền ra. Có thời gian từ nước khác trở về, tôi đã vô cùng bức xúc việc nhân viên siêu thị luôn quy tròn tiền, hoặc quy thành cái kẹo, thậm chí là không trả lại. Từ đó trở đi tôi dùng thẻ tín dụng để tính tiền, đỡ phải bứt rứt.
Nhưng mỗi khi tôi nói ra chuyện này, nhiều người khác cho rằng tôi khó tính. Với tôi, đó là sự tôn trọng và sòng phẳng trong mua bán. Đặc biệt, khi tôi ở nước ngoài, đến một xu lẻ họ cũng trả cho tôi, và khi tôi trả bằng những đồng tiền nhỏ đó, nhân viên không hề có thái độ ghét bỏ gì cả. Mọi người luôn cho rằng mình không cần tính toán những tờ tiền nhỏ lẻ, không muốn bị xem là keo kiệt, nhưng việc gì cũng phải sòng phẳng vì chúng ta không nợ nần ai".
Nói thêm về văn hóa thối tiền lẻ ở nước ngoài, bạn đọc Lê Tùng chia sẻ: "Đi ra nước ngoài, tôi mới thấy người dân các nước tiên tiến quý trọng đồng tiền như thế nào? Ở Nhật Bản, người ta không có văn hóa tiền tip, nên mỗi khi mua hàng ở siêu thị, hay nhà hàng, bạn đều sẽ nhận được tiền thối lại, dù đó chỉ là một vài Yên. Nhân viên có nghĩa vụ phải thối lại đầy đủ tiền thừa cho khách hàng. Khi khách không muốn nhận tiền thừa ấy, ở mỗi quầy thu ngân đều có những hộp từ thiện nhỏ để khách hàng bỏ vào. Cuối tháng chủ siêu thị sẽ tổng kết lại những hộp từ thiện đó, rồi gửi đến nơi công bố để làm từ thiện.
Người Việt chưa giàu nhưng nhiều người đã mắc bệnh sĩ diện khá nặng. Nó làm cho cuộc sống trở nên khó chịu và rắc rối, khi phải quyết định những việc nhỏ nhặt như có nhận lại tiền thối hay đi đòi tiền thối hay không? Và buồn cười nhất là bạn đang từ thượng đế, có thể trở thành một kẻ keo kiệt vì đi nhận lại những đồng tiền của chính mình".
"Nhiều người Việt có cách hành xử thiếu tôn trọng đối với tiền lẻ. Hành vi này có lẽ sâu xa bắt nguồn từ sự đánh giá không đúng mực đối với những đồng tiền mệnh giá nhỏ, nhưng chứa đựng trong nó là giá trị lao động. Trân trọng những đồng tiền xu, tiền lẻ không phải là keo kiệt, bủn xỉn mà là sự thể hiện thái độ coi trọng đối với những thứ có giá trị trong cuộc sống hàng ngày, rất đáng khuyến khích".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.