Việc các siêu thị, cửa hàng dùng kẹo thay vì "thối" tiền thừa có mệnh giá nhỏ cho khách mà không hỏi ý kiến đã trở thành thói quen, đôi khi có thể coi như nét văn hóa ở nước ta. Nếu ai đó có ý kiến khác thì sẽ bị coi là nhỏ nhen, keo kiệt. Tôi cho rằng, mệnh giá nào cũng là tiền, đều được pháp luật công nhận, vậy tại sao các siêu thị, cửa hàng, người cung cấp dịch vụ không chuẩn bị sẵn lẻ để "thối" cho khách mà tự quyết định rằng số tiền đó không đáng, coi nhẹ giá trị, thậm chí là lơ luôn việc trả lại tiền thừa cho khách? Với tôi, đó là sự lập lờ, vô lý, cần phải được chấn chỉnh.
Ở cơ quan tôi, khi thu tiền phí, người thu tiền có khi không chuẩn bị sẵn tiền lẻ, rồi lại lóng ngóng tìm kiếm, nên nhiều người nộp thấy ngại rồi nói "thôi khỏi thối", trong khi người thu cũng lẳng lặng cho qua. Nhưng ở chiều ngược lại, không một người nào được phép đóng thiếu tiền dù chỉ 500 - 1.000 đồng. Thậm chí, người nào chuẩn bị đúng số tiền lẻ cần đóng còn bị đánh giá là "kỹ tính". Thế nên ai cũng tặc lưỡi cho qua vì ngại. Tôi tự hỏi, tại sao mình phải ngại khi nhận số tiền chính đáng, trong khi người thu tiền không thấy ngại khi nhận tiền dư mà không trả lại?
Đi taxi, xe ôm, tôi thường chỉ trả đúng số tiền hiển thị cần thanh toán và luôn chuẩn bị sẵn tiền lẻ để tài xế đỡ phải trả lại. Thế nhưng, một vài người bạn của tôi lại cho rằng như vậy là "kỳ cục". Họ nói rằng nên trả dư cho tài xế mới là lịch sự. Có lần, đi taxi, số tiền trên đồng hồ hiển thị là 56.000 đồng, tôi hỏi tiền để trả thì tài xế tỉnh bơ đáp lại: "60.000 đồng". Tôi phản ứng ngay: "Đồng hồ hiển thị 56.000 đồng mà anh, em trả đúng 56.000 đồng vì sẵn tiền lẻ". Người này lập tức tỏ thái độ khó chịu. Chắc rằng nếu tôi đưa 60.000 đồng, anh ta sẽ im lặng và coi như việc không thối tiền thừa là đương nhiên.
Lần khác tôi đi mua thịt gà. Sau khi tính tiền xong, người bán cũng tự làm tròn rồi báo giá với tôi. Tôi cộng lại chính xác giá tiền và từ chối trả theo lời người bán. Thấy vậy, chị ta lại kể lể rằng khi bán cho người khác, họ trả cho chị nhiều hơn, tỏ ý đánh giá việc tôi không trả tiền theo ý chị. Tôi thấy rất nực cười với suy nghĩ này.
>> Tôi không cho phép thiếu một đồng tiền 'thối'
Nhìn sang mấy người shipper giao hàng cho tôi, mặc dù họ đi xe máy cà tàng, chở cả thùng đồ cồng kềnh, nhìn rất lam lũ, nhưng tôi thấy họ luôn lịch sự "thối" lại đủ 1.000, 2.000 đồng, chứ không hề có ý định chần chừ hoặc làm tròn tiền của khách. Hành động ấy không quá to tát nhưng nó thể hiện sự tôn trọng với khách hàng.
Theo tôi, người bán hàng, cung cấp dịch vụ chỉ được thu đúng số tiền đã thỏa thuận, việc làm tròn hay muốn trả thêm tiền là sự tự nguyện của người mua. Thế nên, việc bạn im lặng và đồng ý với quyết định làm lơ tiền "thối", làm tròn tiền cần thanh toán, đã tạo cho người bán thói quen, khiến họ cho rằng điều đó là đương nhiên được chấp nhận. Việc tip cho tài xế, shipper ít tiền lẻ là việc làm tốt, nên khuyến khích, nhưng nó phải được xuất phát từ sự tự nguyện của người mua chứ không nằm ở sự quyết định của người bán.
Tờ tiền có mệnh giá thế nào cũng đều có giá trị và phải được công nhận, trân trọng như nhau. Thay vì im lặng và cho qua những lần bị ăn chặn tiền "thối" như thế, tôi nghĩ rằng mỗi người nên chuẩn bị sẵn tiền lẻ và trả đúng số tiền cần thanh toán. Đây là cách từ chối sự đòi hỏi vô lý, đang dần trở thành nét văn hóa ở nước ta. Nếu muốn, chúng ta có thể để dành những tờ tiền lẻ này, dồn lại để cho những người thực sự khó khăn, trẻ lang thang, cơ nhỡ, đó sẽ là việc làm đáng được trân trọng và cần lan tỏa.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.