Du xuân đã đời, mãi đến mùng Sáu, tôi mới có thời gian ghé thưởng thức món khoái khẩu của mình ở một tiệm mỳ hoành thánh tận Phú Nhuận. Vừa vào, tôi liền hỏi cắc cớ: "Bữa nay vẫn giá Tết hả ông chủ?". Ông chủ cười xòa đáp: "Nay hết Tết, giá như ngày thường rồi. Mà mấy bữa Tết cũng chỉ thêm có 5.000 đồng một tô chứ mấy. Tăng giá nhiều kỳ lắm. Trong Tết thứ gì cũng tăng giá nên mình cũng phải lên chút đỉnh để bù giá nhập vào, thông cảm nha".
Hỏi vui vậy thôi, chứ tôi nghĩ bụng, dù có có tăng 10.000 đồng một tô, mình cũng vẫn vui vẻ ủng hộ, vì hợp tình hợp lý, và vì Tết mà. Nhưng không phải chỗ nào cũng tăng giá hàng hóa mà chẳng mấy ai thắc mắc như chỗ này. Nhiều nơi, chuyện tăng giá ngày Tết đã biến tướng thành nạn "chặt chém" đầu năm nhân danh ngày Tết.
Sáng mùng Hai, tôi chạy chiếc xe số ngang qua chợ Thạnh Xuân, Quận 12 thì không may bị thủng lốp. Thấy có một tiệm sửa xe mở cửa gần ngã tư Tô Ngọc Vân - Hà Huy Giáp, tôi mừng quýnh tấp vào vì ngày Tết kiếm đâu ra tiệm sửa xe. Cũng may là cửa hàng này vẫn hoạt động xuyên Tết.
Thấy ông chủ bước ra, tôi hỏi: "Thay ruột bao nhiêu tiền vậy anh?". Người chủ tiệm lạnh lùng trả lời cộc lốc: "150 nghìn". Chưa kịp vui mừng được bao lâu tôi đã đứng hình mất vài giây vì giá ruột xe bánh sau ngày thường chỉ khoảng 40.000 đồng, công thay 20.000 đồng là hết cỡ. Như vậy, anh ta đã "hét giá" hơn gấp đôi với tôi chỉ vì ngày Tết.
>> Rửa xe đắt gấp bốn lần ngày cận Tết
Thực ra, tôi không phải đến mức thiếu tiền, cũng hiểu rằng chuyện tăng giá ngày Tết là bình thường, nhưng ý nghĩ bỗng nhiên "giơ cổ ra cho người ta chém" cứ khiến tôi bực bội. Cuối cùng, sau một hồi cân nhắc, tôi quyết định bỏ đi thay vì chấp nhận bị "chặt chém". Dắt xe đi bộ về hướng Lái Thiêu khoảng 200 mét, tôi may mắn phát hiện một tiệm sửa xe khác cũng đang hoạt động.
Khi tôi tới nơi thì cũng kịp lúc ông chủ tiệm vừa vá xong cho xe của hai anh thanh niên, và cũng vừa kịp nghe ông phân trần: "Tết nhất, hai cậu cho chú xin thêm 5.000 tiền công nha". Đến lượt tôi, sau khi thay ruột xe xong, ông tính tôi 70.000 đồng, tức chưa bằng phân nửa giá của tiệm kia (chỉ nhỉnh hơn ngày thường chút đỉnh). Tôi vui vẻ trả tiền và ra về.
Thế đấy, câu chuyện giá cả ngày Tết bây giờ, đôi khi không chỉ là chuyện đắt hay rẻ, mà còn là thước đo của lòng lương thiện và sự tử tế của con người. Tiếc rằng, đây lại là thứ dư dả với người này, thiếu hụt với người khác. Quan niệm ngày Tết là được mặc sức tăng giá vô tội vạ từ lâu đã tồn tại trong một bộ phận người kinh doanh. Họ sẵn sàng bỏ qua đạo đức nghề nghiệp và tình người để thỏa mãn lợi ích kinh tế nhất thời.
Cái tăng giá của ông chủ tiệm mỳ hay ông chủ tiệm sửa xe biết phân vân, ngại ngùng, biết "tăng giá kỳ lắm" ở trên, hoàn toàn khác câu "hét giá" sắc lẹm như dao cạo của ông chủ tiệm sửa xe đầu tiên mà tôi gặp. Một bên sự tăng giá vẫn làm người ta vui vẻ, đồng thuận; còn một bên "chặt chém" khiến người ta đôi khi buộc phải cắn răng chấp nhận nhưng hoàn toàn mất hết tình cảm sau đó. Dù sao, lòng tham vẫn luôn có lý lẽ tồn tại của nó, chỉ là chúng ta nên để nó đến đâu mà thôi: bạn sẽ nhẫn nhịn, cam chịu hoài hay quyết liệt khước từ cho đến khi nó phải lùi bước?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.