Tôi rất đồng cảm với tâm trạng bức xúc của tác giả bài viết "Bị lừa vì du lịch vòi vĩnh". Thực tế, không chỉ những người làm ăn nhỏ lẻ như anh xích lô trong câu chuyện trên, mà ngay cả những công ty lớn như tài xế taxi cũng tìm cách lừa khách hàng, thu tiền trên mức quy định.
Tôi nói những điều này là dựa trên trải nghiệm thực tế của tôi mới cách đây hai ngày. Tôi đi công tác Hà Nội, có bắt taxi từ cầu Mai Lĩnh về khách sạn ngay cạnh Hồ Gươm. Vì hay đi tuyến này nên tôi nắm khá rõ giá cả, mọi lần trước tôi đi chỉ hết khoảng 350.000 đồng tiền cước, nhưng lần đó tài xế tính giá lên đến 460.000 đồng. Tôi quan sát thấy đồng hồ xe đã được cất đi chứ không để trước mặt để hành khách thấy.
Khi tôi thắc mắc "vì sao giá cước quá đắt so với bình thường?", người tài xế nói là phải đi đường vòng để tránh kẹt xe. Thực tế, với cả trăm nghìn đồng tiền chênh lệch đó, tính theo giá taxi trung bình, tôi có thể đi được gần 7 km. Liệu có ai đi đường vòng tránh kẹt xe mà đi tới 7 km không? Cứ so sánh giữa việc hao xăng do kẹt xe và đi đường vòng ngần ấy cây số, thử hỏi phương án nào lợi hơn? Có lẽ chỉ có người lái taxi mới ưu tiên đi đường dài trong trường hợp này để thu thêm tiền của khách.
Thực ra, chuyện tôi bực bội ở đây không phải là vì bị đi đường vòng, mà là sự không chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng khách hàng của tài xế. Tại sao anh ta không hỏi ý kiến khách hàng xem họ có đồng ý đi đường vòng hay không? Điều đó rất giống với cảm giác bị lừa đảo vậy.
>> Cãi vã vì đợi 30 phần bánh căn quá lâu ở Đà Lạt
Ban đầu, tôi tính xin số điện thoại để ủng hộ anh tài xế đó trong các ngày công tác tiếp theo, mỗi khi có nhu cầu đi đâu đó. Nhưng thông qua cách "chặt chém" như vậy, không bao giờ tôi muốn ngồi lên xe anh ta thêm một lần nào nữa. Du lịch Việt hiện nay cũng y hệt như anh tài xế đó vậy, chỉ biết ngắn mà không biết dài, chỉ biết cái lợi trước mắt và không tính cái lợi về sau.
Tôi biết rằng ở đâu cũng có người này người kia. Rất nhiều người đang làm dịch vụ một cách chân chính. Có điều, chính một vài cá nhân chỉ biết lợi ích trước mắt, sẵn sàng dùng chiêu trò chặt chém khách hàng đã vô tình tạo nên sự mất thiện cảm cho cả một vùng đất. Như người tài xế taxi kia, chỉ vì lời thêm được 100.000 đồng nhưng đã làm ảnh hưởng đến cả danh tiếng của thành phố mình đang sống và kiếm ăn.
Có người nói tại sao bị chặt chém mà không báo cho cơ quan quản lý du lịch địa phương? Nếu không báo công an, không đóng góp ý kiến, cứ im lặng thỏa hiệp với tiêu cực thì ai biết mà dẹp, rồi người du lịch đến sau lại cứ ca bài ca phàn nàn như vậy mãi. Tôi cho rằng, nếu thật sự muốn chấn chỉnh dịch vụ du lịch của địa phương mình, quyết liệt giải quyết dứt điểm tình trạng du lịch yếu kém, thì chẳng cần chờ có người báo cáo mới kiểm tra, quản lý. Điều đó cho thấy tinh thần cầu thị của mỗi địa phương trong việc xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện trong mắt du khách thập phương.
Mong rằng những câu chuyện như thế này có thể khiến những người làm du lịch tự nhìn lại và sớm chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn, góp phần làm thay đổi bộ mặt du lịch địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.