Xung quanh câu chuyện "Nhân viên xe buýt khước từ người khuyết tật", nhiều độc giả VnExpress cũng chia sẻ những trải nghiệm không mấy thiện cảm với các chuyến xe buýt Việt:
Có một lần tôi đi xe buyt từ Sài Gòn về Bình Dương. Một anh bị khuyết tật chân, một chân phải duỗi thẳng, không co lại được, vì thế anh chọn ghế đầu, ngay cửa ra vào để ngồi. Do chân không co lại được nên mỗi lần khách lên xuống xe thì đều phải cố tránh né anh. Tất cả hành khách thấy vậy đều cho là bình thường. Trong khi đó, tài xế lại tỏ vẻ rất khó chịu, thậm chí còn yêu cầu anh này phải đi qua chỗ khác ngồi cho đỡ vướng lối đi. Khi vị khách không chịu làm theo, tài xế còn nổi giận, dọa lần sau không cho lên xe nữa.
Một lần, tôi bị gãy chân, phải đi nạng. Do trời khuya, nhà xa, không tiện đi xe công nghệ nên tôi bắt xe buýt về. Tôi chống nạng đứng ngay bến xe buýt, nhưng tài xế nhìn thấy vẫn không dừng xe hẳn mà chỉ chạy từ từ. Tôi đã phải rất chật vật mới leo được lên. Khi xuống xe, tài xế vẫn chạy là là để tôi tự nhảy xuống, chứ nhất quyết không dừng hẳn. Lần đó, tôi bị té ngã và tự nhủ sẽ không bao giờ đi xe buýt nữa.
Tôi phẫu thuật khớp gối và phải đi đứng bằng gậy. Và tôi thường xuyên tham gia phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Sau tất cả, tôi chỉ thấy phương tiện hàng không có công cụ và phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tốt nhất. Còn đường sắt và đường bộ hầu như không có hỗ trợ gì nhiều đối với người khuyết tật.
Tôi từng đi xe buýt trong suốt thời kỳ mang bầu. Phải nói là nhiều tiếp viên không hề có thái độ cảm thông và hỗ trợ đối với người già, người khuyết tật và phụ nữ có thai. Thậm chí, trong lúc chờ xe dừng hẳn để xuống, thỉnh thoảng tôi còn bị xô xuống hoặc bị thái độ khó chịu của họ vì không chịu nhanh chân lên.
>> Tôi mất dần kiên nhẫn với xe buýt Sài Gòn
Chiếc xe lăn không nặng đến nổi cô tiếp viên không nhấc lên được. Tôi từng đi xe buýt nhiều lần và tình hình thực tế là hầu như các tiếp viên chỉ ngồi một chỗ nhắc khách lên mua vé. Người già, phụ nữ có thai xách theo đồ cũng không thấy được hỗ trợ gì ngoài việc họ giương mắt nhìn. Ngay cả tài xế cũng rất nhiều người hách dịch. Chính vì chất lượng phục vụ như thế nên người dân mãi không muốn đi xe buýt.
Tôi hàng ngày đi làm bằng xe buýt. Tôi thấy đến 80% lái xe, phụ xe buýt rất thiếu văn hóa trong hành xử, nói năng, không coi người lớn tuổi ra gì, thoải mái mắng khách. Nhiều chỗ đến bến mà xe không dừng hẳn, lên xuống rất nguy hiểm, nhất là người già. Có tài xế còn bật nhạc to, phụ xe nói chuyện điện thoại oang oang, nhưng hễ ai đó trên nói hơi to một chút là họ nhắc nhở rất lỗ mãng. Chẳng biết bao giờ tài xế xe buýt mới biết cách hành xử văn hóa với khách?
Hiện nay, thực trạng các tuyến xe buýt đang mang lại những hình ảnh rất tiêu cực trong lòng người dân. Cách phục vụ quá thiếu chuyên nghiệp, ý thức lái xe và cách quản lý rời rạc. Ngoài ra, có rất nhiều xe tư nhân giả danh xe buýt đã có những hành động thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng rất xấu tới hình ảnh người dân. Với thực trạng này, theo tôi, Việt Nam chưa thể đẩy mạnh các phương tiện giao thông công cộng, việc mở các tuyến tàu điện trên cao với cung cách phục vụ như thế này cũng sẽ không hiệu quả.
>> Bạn có đang gặp phải những bất cập khi đi xe buýt? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.