Đọc bài viết "Con trai tôi không xứng với cô bạn gái tốt", tôi có một số suy nghĩ cùng chia sẻ với các bạn đọc như sau:
Tôi thường mô tả mỗi người giống như một sản phẩm: sắc đẹp là bao bì sản phẩm, các khả năng là tính năng sản phẩm. Bố mẹ, nhà trường, xã hội và bản thân con cái giống như nhà máy sản xuất ra sản phẩm. Trong đó, bố mẹ đóng vai trò giám đốc sản xuất. Khi các con còn nhỏ thì bố mẹ xem xét con mình yêu thích gì, phù hợp lĩnh vực gì để mình định hướng, bổ sung tính năng cho sản phẩm đó.
- Giao diện, bao bì sản phẩm: cha mẹ dạy con cách ăn mặc, đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ; cho con đi tập gym hoặc yoga, võ thuật, bơi lội, để con khỏe và đẹp; nếu răng con không đều thì cho đi niềng răng, chỉnh răng; tư vấn cho con cách ăn mặc phù hợp, ngoại hình dễ nhìn để con đỡ thiệt thòi với bạn bè (ai cũng sẽ đẹp nếu chúng ta chú ý một chút).
- Tính cách: cha mẹ cho con đọc sách về giao tiếp, về năng lượng tích cực, về đạo đức làm người, dạy con các thuần phong mỹ tục, cách ứng xử với bạn bè, bố mẹ, ông bà, người yêu, biết nghĩ cho người khác. Nếu là con trai thì hướng con tới phong cách của "quý ông lịch lãm", nếu con gái thì hướng tới phong cách "thông minh, cá tính"...
- Làm việc nhà: con trai hay con gái cũng đều cần biết nội trợ. Nên ngay từ nhỏ, chúng ta nên dạy con cách nấu ăn, quét nhà, rửa bát, giặt giũ, làm bánh, làm kem, pha nước... Con trai mà biết nội trợ (như nấu ăn ngon) sẽ là một điểm cộng và tốt cho cuộc sống gia đình riêng của con sau này. Con gái biết nội trợ tốt cũng như thế.
>> Cả nhà chiều hư cháu gái bốn tuổi
Tôi vẫn nói với con mình rằng: "Bây giờ đất nước đã hòa bình, gia đình cũng có cuộc sống tạm ổn. Nhưng các con hãy hình dung, nếu tương lai có biến cố hay thiên tai, tất cả bị 'reset' về 0 hết. Khi đó, chỉ cần các con biết làm bánh, biết nấu bát mỳ, bát phở ngon là có thể mở cái quán ăn nhỏ và sống được. Rồi con trai, con gái lớn lên về nhà người yêu vào bếp làm một vài món ngon thì cũng rất tuyệt vời... Mà con trai biết nội trợ thì các bạn gái cũng rất thích. Gia đình quây quần bên một bữa ăn ngon thì gia đình càng vui vẻ. Chồng vợ, con cái ai cũng muốn về gia đình ăn cơm".
Khi các con lười làm việc nhà, tôi hay tâm sự: "Con thấy rửa bát có ghê, có mệt không? Vậy nếu con thấy ghê, thấy mệt thì bố hay mẹ, anh em con sẽ thấy sao? Ai cũng sẽ cảm giác như con cả, chẳng ai thích phải đi rửa bát, nhưng mình không làm thì bố mẹ, anh em mình phải làm. Vậy thì tại sao mình lại để người khác phải vất vả trong khi mình ngồi chơi? Mọi người làm không phải vì thích, mà vì họ yêu thương người nhà, nên chọn cái vất vả để mọi người được nghỉ ngơi. Nếu các con nghĩ 'mình làm vì yêu thương mọi người' thì các con sẽ thấy việc mình đang làm nhẹ nhàng và có ý nghĩa hơn nhiều".
- Nghệ thuật: các con cũng nên được học các môn nghệ thuật ở mức cơ bản. Cha mẹ có thể cho các con học đàn piano làm nền tảng, sau đó cho các con chọn học thêm ghi ta, sáo, trống, khiêu vũ, vẽ, thanh nhạc... miễn là phải có một tính năng nghệ thuật. Điều này sẽ giúp các con hiểu về nghệ thuật, khi đi làm việc, các con dễ hòa đồng với môi trường mới. Ví dụ, trong một buổi tiệc, con có thể lên góp vui bằng một bài hát, một bản đàn hay khiêu vũ... Tránh việc không biết gì, con sẽ bị tự ti. Không cần con phải giỏi nghệ thuật, nhưng rất cần con có kiến thức để có thể giao lưu được với mọi người.
- Ngoại ngữ: ngày nay, ngoại ngữ là công cụ rất cần thiết. Con cần được trang bị ngoại ngữ ở mức khá hoặc giỏi. Nên việc cho con học ngoại ngữ từ nhỏ sẽ giúp con thuận lợi cho công việc sau này. Nếu con học giỏi có thể dễ xin học bổng du học. Học ngoại ngữ là phải học cùng người nước ngoài, có thể một buổi người Việt dạy, một buổi người nước ngoài dạy. Con học không cần quá giỏi mà cần duy trì liên tục, không bị ngắt quãng từ nhỏ tới lớn, để con quen với việc, nghe, nói với người nước ngoài.
- Chuyên môn: chuyên môn là nghề nghiệp chính. Mỗi lĩnh vực thường sẽ có nhiều nhánh nhỏ. Do đó, con cần rất giỏi ở một lĩnh vực nhỏ nào đó chứ không cần giỏi hết. Ví dụ, con học kế toán thì có thể rất giỏi trong lĩnh vực thuế, còn kế toán tiền tệ, tài sản, xây dựng, doanh thu lợi nhuận, công cụ dụng cụ... chỉ cần hiểu. Như vậy, con có thể khai thuế cho các doanh nghiệp cũng vẫn "sống được". Nếu học công nghệ thông tin, con có thể học thật sâu về bảo mật, Oracle, cài đặt máy chủ, Java hoặc .Net, C++, Php... là đủ sống. Tóm lại, chuyên môn thì phải rất sâu và giỏi một cái gì đó, tránh việc lĩnh vực nào cũng biết nhưng chẳng giỏi cụ thể một mảng nào thì sẽ khó tồn tại.
Như vậy, một sản phẩm (con người) xuất xưởng sẽ có giao diện đẹp (không nhất thiết đẹp như hoa hậu nhưng gọn gàng, sạch sẽ), tính cách thú vị (nam thì như quý ông, nữ thì thông minh, cá tính), biết nội trợ (nấu ăn ngon, lau dọn nhà cửa, pha chế, không ngại việc), biết nghệ thuật (biết đàn, hát hoặc khiêu vũ...), biết ngoại ngữ (có thể giao tiếp cơ bản với người nước ngoài, đọc hiểu, viết được cơ bản), có chuyên môn giỏi (hiểu biết về nghề, rất giỏi một lĩnh vực cụ thể) thì sản phẩm này chắc chắn "bán được", thậm chí là được giá rất cao (công việc mơ ước, được xã hội đánh giá cao).
Chúng ta cũng có thể ví các con giống như cái cây, cha mẹ là một nghệ nhân bonsai. Mỗi cây mỗi khác nhau. Người nghệ nhân luôn phải nhìn ngắm và lựa để cắt tỉa, chỉnh sửa cho ra những cây cảnh đẹp nhất có thể. Không phải cây nào trưởng thành cũng giống nhau. Mỗi cây có đặc điểm riêng. Nhưng chúng đều đẹp. Có cây đẹp nhiều thì giá cao (con thành công, thu nhập cao). Cây đẹp ít thì giá thấp (có công ăn việc làm, thu nhập đủ sống). Quan trọng là các cây đó đều được khách hàng mua về.
Có những người không uốn, tỉa, chăm sóc cây (dạy dỗ, định hướng con cái), đến khi cây lớn đem bán chẳng ai mua (con cái thất nghiệp). Để rồi, họ lại quay sang giận mình, giận người: sao cây nhà người ta tán nó đều, quả nó sai mà cây nhà mình lá chẳng có, quả cũng không, bán chẳng ai mua, cho họ còn chẳng lấy (bị hắt hủi, không ai yêu, bố mẹ muốn đuổi ra khỏi nhà).
Vậy, vai trò của bố mẹ là rất quan trọng. Nếu chúng ta đã xác định được mình nhà sản xuất hay nghệ nhân trồng cây, thì khi một sản phẩm xuất xưởng không đạt chất lượng, lỗi phần nhiều là của chính ta. Có bạn sẽ nói rằng "đầy bố mẹ không để ý mà con cái vẫn rất giỏi và thành đạt". Đúng là vậy, như cây đa, cây si, cây khế mọc hoang nhưng tán vẫn rất đẹp đó thôi. Nhưng đó là những trường hợp hiếm hoi. Cứ 10 cây được chăm sóc, cắt tỉa thì có 8-9 cây bán được giá. Còn 10 cây mọc dại chỉ 1-2 cây đủ điều kiện để bán.
Dân gian có câu: "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Điều kiện mỗi gia đình một khác, tố chất của mỗi người cũng khác nhau. Nhưng nếu chúng ta để ý tới các con, tìm hiểu kiến thức, uốn nắn, định hướng các con theo chiều hướng tích cực thì sẽ có được những sản phẩm tốt, được xã hội công nhận.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.