Tôi có con trai, năm nay 13 tuổi, và luôn nói với con rằng "mẹ sẽ cho con ra khỏi nhà càng sớm càng tốt, chậm nhất là khi con 18 tuổi". Tôi cũng có một con gái 7 tuổi, cũng nói rằng "khi nào con lớn lên, 20 tuổi, mẹ sẽ cho con một căn nhà để ở riêng". Tôi nói với chồng rằng, tôi sẽ coi cô bạn gái trong tương lai của con trai mình là khách trong nhà, được chào đón và chắc chắn là "không được rửa chén bát khi đang là bạn gái của con trai tôi". Tôi cũng nói sẽ báo trước với cậu bạn trai tương lai của con gái mình rằng "nếu cậu định tát con gái tôi, nên dùng tay trái, bởi tôi sẽ bẻ gãy cái tay đó vì đã đánh con tôi".
Chồng tôi từng phát cáu lên với tôi vì tư tưởng "sau này nếu có chết, sẽ hiến tạng", thì giờ anh lại thấy điều đó là hoàn toàn hợp lý. Cũng như hiện giờ, anh hoàn toàn nổi nóng mỗi khi tôi nói đến chuyện sẽ để các con ra ở riêng, không cho sống chung nhà với hai ông bà già khi có gia đình nhỏ. Anh luôn phản biện rằng "muốn nhìn thấy con cái xung quanh", trong thực tế người lo hết phần chăm sóc, dạy dỗ chúng bấy lâu nay vẫn là tôi. Là người mẹ đã cho các con một "đôi cánh" cứng cáp, nên tôi càng muốn rời xa chúng ngay khi chúng bắt đầu chập chững trưởng thành, để chúng tự do "bay cao", tự "tha mồi về tổ" của mình mà không cần cha mẹ ngồi canh cái tổ đó nữa.
Khi còn trẻ, tôi từng khước từ sự chăm lo của nội ngoại trong vấn đề con cái, cũng thản nhiên từ chối khi có ông bà nào đó định uốn nắn và thay đổi cách dạy dỗ con cái của mình. Tự tôi, tôi cần tập làm một người mẹ trưởng thành, học cách chăm lo và dạy dỗ con cái mình, chứ không muốn phiền phức hay phụ thuộc vào nội ngoại.
Khi con còn nhỏ, tôi nhận được vô số những lời phàn nàn, so sánh của mọi người như: "sao bọn trẻ trông còi cọc thế?", "sao chúng mọc răng chậm thế?", "sao chúng từ chối tiếp xúc quá thân mật với họ hàng ít gặp?", "sao chúng không đi học thêm các môn học này kia?"... Và đặc biệt, tôi bị kỳ thị vì luôn cho phép con gọi thẳng tên mẹ hoặc ông bà hai bên, con tôi cũng được "ừ" khi chơi trò chơi công bằng với mẹ.
>> 'Thanh niên Việt 18 tuổi cần ra khỏi nhà'
Các con tôi dần lớn lên, thậm chí còn không biết đến những thắc mắc của mọi người xung quanh bởi chính tôi còn đang phớt lờ điều đó. Hai đứa hơi còi, hoạt bát, thích vận động, học hành khá tốt, có chính kiến riêng, năng khiếu riêng, và như xung quanh nhận xét thì chúng được "trời phú" cho sự thông minh, nhanh nhẹn và đa màu sắc.
Trong các bữa tối, gia đình chúng tôi hay trò chuyện theo đủ các chủ đề. Gần đây, chúng tôi có mâu thuẫn khi tranh luận về việc con gái tôi có phải đi làm dâu hay không? Chồng tôi nói rằng "việc làm dâu chẳng phải vấn đề gì miễn là con tôi sống đúng", tôi thì cho rằng "cuộc sống chung chẳng có gì hay ho và con gái tôi nên chuẩn bị mọi thứ cho cuộc sống riêng, có thể gần nhất là sát nhà bố mẹ chồng, còn sống chung thì xin miễn". Ngay cả chuyện của con trai, cá nhân tôi cảm thấy hài lòng vô cùng nếu con tôi cũng có một cô bạn gái đồng tình quan điểm với nó - sống xa bố mẹ ra.
Các con vẫn còn đang nhỏ tuổi, nhưng tôi không hiểu sao đa số cha mẹ chúng ta đều cảm thấy nỗi bất an ngày càng lớn khi con cái lớn dần lên.
Dường như chúng ta lo lắng cho tương lai của mình và làm phiền đến con cái hơn là giúp ích chúng khi cứ bám dính lấy nhau trong cuộc sống sau này.
Quan điểm của cá nhân tôi vấp phải vô số ý kiến chỉ trích từ các ông chồng trong số bạn bè chung, nhưng đa số các bà vợ thì lại đồng quan điểm là nên tách riêng các gia đình hạt nhân ra với nhau để đảm bảo hòa khí.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.