Bảo bọc con cái từ lâu đã được coi là đặc điểm của cha mẹ châu Á, khác với phụ huynh ở các vùng khác trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều cha mẹ, đặc biệt những người thuộc thế hệ 8X, sống trong thời kỳ bao cấp thiếu thốn nên muốn bù đắp những thiếu hụt vật chất, tinh thần trong quá khứ cho con, thậm chí là nuông chiều trẻ. Thêm vào đó, ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ sinh một đến hai con nên cha mẹ có xu hướng dành nhiều tâm huyết, lo toan cho con nhiều hơn, dẫn đến tình trạng bảo bọc quá mức.
Cũng từng lớn lên trong sự bảo bọc quá kỹ của cha mẹ, độc giả Vo Huy Cuong chia sẻ quan điểm: "Năm 18 tuổi, tôi không biết cắm nồi cơm, không biết nấu bất cứ một món gì, không biết giặt giũ hay động tay làm bất cứ việc gì trong nhà. Đó là hệ quả của việc suốt những năm học phổ thông, tôi chỉ có mỗi nhiệm vụ học và học. Ngay cả chuyện đi học thêm thế nào tôi cũng bị cha mẹ quản. Tôi nhớ có lần, vào năm lớp 12, tôi tham gia hoạt động ở trường đến 18h mới về, vậy mà mẹ tôi cũng xách xe đạp đi tìm cho bằng được. Từ nhà tôi ra trung tâm thành phố chỉ khoảng 6 km, nhưng tôi cũng chưa lần nào được đi một mình cả.
May mà sau khi thi đỗ đại học, tôi quyết lên Sài Gòn, vượt qua sự phản đối kịch liệt từ gia đình. Nhờ vậy mà cũng coi như tôi được nếm trải mùi đời một chút. Giờ tôi có thể tự nấu tốt bữa ăn gia đình và vài món ăn sáng, ăn vặt, bánh mứt, thức uống tăng cân hay giải nhiệt... Từ chính câu chuyện cuộc đời mình, tôi cho rằng, đúng là phụ huynh nào cũng muốn yêu thương và lo lắng cho con cái mình hết mực, nhưng bảo bọc đến mức "trùm con vào váy mẹ" thì chính là hại con".
Cũng tận mắt chứng kiến cảnh cha mẹ yêu thương con theo kiểu bảo bọc quá mức, bạn đọc Nguyễn Thanh Xuân nhận định: "Tôi có một bà chị cực kỳ tự hào khi nói về con gái, dù cháu năm nay 18 tuổi vẫn không biết rửa bát, giặt quần áo. Việc duy nhất của cháu là học và đi làm. Quả thực, cháu rất ngoan và học giỏi, nhưng lại không biết làm việc gì khác để tự lo cho cuộc sống của mình. Quan điểm của chị tôi là chỉ cần con học giỏi, kiếm được tiền, sau này lấy chồng có điều kiện là được. Và tôi tin ngày nay nhiều cha mẹ cũng có tư tưởng như thế. Còn quan điểm của tôi là ngoài việc học, con phải biết làm việc nhà phụ giúp bố mẹ. Cũng vì thế mà trong mắt chị, tôi giống như một người 'mẹ mìn', lúc nào cũng bắt con làm đủ thứ việc nhà".
>> Định kiến 'cha mẹ đưa đón, con thiếu tự lập'
Trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ quá bảo bọc sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như bị hạn chế khả năng khám phá thế giới hoặc xây dựng mối quan hệ. Việc một đứa trẻ được bảo bọc quá nhiều cũng sẽ khiến chúng mất đi kỹ năng sinh tồn, khả năng chống chọi với biến động và cú sốc xã hội kém. Khi đó, trẻ ũng sẽ coi mình là trung tâm, ít quan tâm đến người khác.
Độc giả Anh Hoa nói thêm: "Tôi từng chứng kiến gia đình nhà bác ruột làm ăn buôn bán nhỏ, có hai cô con gái. Ngày các chị còn bé, bác gái không cho làm gì trong nhà cả. Trong khi đó, mẹ bắt tôi phải ngồi giặt một chậu quần áo mỗi khi nghỉ học. Sang nhà bác chơi, mẹ tôi có góp ý với bác gái nhưng bác nói 'các con chỉ việc học giỏi, lớn lên kiếm tiền nhiều rồi thuê người giúp việc là được'.
Bây giờ, các chị tôi đã 30, 33 tuổi. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, các chị không làm việc nhà, trong khi bác gái đã lớn tuổi vẫn phải lọ mọ hết nấu ăn lại đến lau nhà. Giao tiếp của các chị cũng ở giữa tiểu thư với con nhà nghèo, công việc của các chị cũng chỉ làm công ăn lương bình thường , không có bạn trai để tìm hiểu dù rất muốn kết hôn. Bác tôi giờ hay than ngược với mẹ tôi rằng 'có con gái lớn không được nhờ mà vẫn phải hầu nó'".
Trong khi đó, nhận ra những sai lầm khi quá bảo bọc con cái, bạn đọc Hoàng Lan chọn cách dạy con tự lập ngay từ khi còn nhỏ: "Con tôi từ 3 tuổi đã bắt đầu được dạy tự lập: Từ 3-5 tuổi, con tự ăn, tự dọn dẹp đồ chơi của mình, tự để đồ đúng nơi quy định, tự đi chơi với nhà trường mà không có mẹ đi cùng. Từ 6-9 tuổi, con biết quét nhà, tự tắm, tự bỏ đồ của mình vào máy giặt. Từ 10-12 tuổi, con biết cắm cơm, rửa rau, rửa bát, lau nhà và dọn phòng ngủ, phơi đồ, ủi đồ của mình.
Từ 13 tuổi trở đi, con đã biết nấu ăn từ đơn giản đến phức tạp (tôi dạy và khuyến khích con tự học thêm trên mạng để nấu những món mình yêu thích), đã tự biết dọn tổng thể nhà ngoài phòng ngủ của mình. Tôi cho tự đi chơi đá bóng, xem phim, ăn uống với bạn thân. Đến giờ, hai con tôi đã biết làm tất cả những việc cơ bản của một người tự lập trước tuổi 15. Vợ chồng tôi đi làm về thậm chí còn có sẵn cơm canh nóng hổi để ăn.
Và trong hành trình dạy con tự lập của mình, chúng tôi cũng không tránh khỏi sự gièm pha của người khác. Vợ chồng đã bị khá nhiều người nói sau lưng là 'một cặp bố mẹ lười, sợ khổ nên không muốn làm cho con mọi thứ'. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận tất cả, miễn sao để con có thể sống tốt mà không cần bố mẹ bảo bọc".
>> Quan điểm dạy con của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.