Bàn về câu chuyện giáo dục, có rất nhiều điều để nói. Bao nhiều năm nay, chúng ta vẫn loay hoay với sách giáo khoa mới, cải cách chương trình, học thêm... Khi giá trị, vị thế của người thầy đã khác trước kia, khi yêu cầu với giáo dục thời kỳ mới đã khác rất nhiều, trong khi hệ thống, chương trình chưa thể bù đắp vào, chưa thích ứng. Do đó, kết quả, tiến bộ, thụt lùi hay hậu quả, khủng hoảng... tất cả đều có thể dự đoán từ trước.
Chúng ta quá sa đà vào lý thuyết hàn lâm rồi thi thố với nhau trên một mớ lý thuyết hàn lâm ấy. Trong khi những cái liên quan đến đời sống hàng ngày lại thường rất ít được quan tâm.Vì vậy đã có quá nhiều sinh viên đại học, cao đẳng, trường nghề tốt nghiệp ra trường nhưng khi làm việc thì thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Một số đông người phải bỏ nghề, chuyển nghề, học lại, học lên cao... số gặp khó khăn trong đời sống, khủng hoảng tâm lý cũng rất nhiều.
Tất nhiên, ai cũng có quyền học hành như nhau, nhưng tuyển sinh tràn lan mà dạy, học không hiệu quả là một sự lãng phí tài nguyên, nguồn lực và thời gian khủng khiếp, ảnh hưởng hậu quả lâu dài. Giải pháp ngắn và dài hạn có thể là ở mục đích giáo dục - hướng tới thực tế, thực dụng, chủ động và nhiều trải nghiệm. Mấu chốt là để người học hội nhập tốt khi ra trường, đáp ứng yêu cầu và việc làm trong xã hội, được nâng cao mức sống, được phát triển tương lai, thêm hạnh phúc với tri thức học được.
Có một điều tôi rất tâm đắc ở một số nước, đó là họ chọn giáo viên cấp Tiểu học là những người có chuyên môn rất giỏi, có học vị chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, và có chứng chỉ tâm lý học, đã được đánh giá tốt... Những giáo viên này được hưởng thu nhập cao. Trong khi đó, ở nước ta thì chưa như vậy. Giáo viên giỏi ở Việt Nam thường dạy các cấp cao hay dạy Đại học. Ở các cấp học thấp, tất nhiên chúng ta cũng có nhiều giáo viên giỏi, tận tâm, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít giáo viên chưa đạt đủ tầm để khai sáng cho học sinh.
>> Tôi ước độ dày sách giáo khoa giảm một phần ba
Giáo dục không chỉ là tập trung dạy kiến thức mà còn giữ vai trò quan trọng định hướng nhân cách và tương lai học sinh. Người giáo viên hoàn toàn có thể làm thay đổi nhận thức người học, qua đó giúp học sinh tự điều chỉnh nhân cách, hành vi, thay đổi tương lai. Lớp học thay đổi thì xã hội sẽ có thể thay đổi. Đó cũng một giá trị và một mặt ý nghĩa của giáo dục. Thiên chức giáo dục mở ra từ ngàn xưa cũng vì mục đích như vậy.
Tôi nhớ lại câu chuyện xảy ra năm lớp 4. Khi đó, trong lớp tôi có một bạn trốn vài buổi học, đôi khi gây mất trật tự, khó bảo. Một buổi sáng đến trường, bạn thông báo đuổi học. Bạn không phản kháng lắm, chỉ đứng lỳ bên hành lang lớp học. Tôi đã nghĩ "ai bảo không nghe lời nên bị đuổi". Rồi tôi thấy bạn trèo lên ngồi trên cổng trường cao chót vót, đội nắng chang, cứ nhìn mãi vào trong lớp học, thầy cô không khuyên được.
Gần trưa ba của bạn tới, dắt con bò cột vào hàng rào, rồi kêu con cùng vào xin Ban Giám Hiệu. Khi không năn nỉ được, ông dắt con ra cổng, quất roi tới tấp rồi dẫn về nhà. Tương lai của bạn sẽ về đâu? Tôi từng đặt ra những thắc mắc như vậy. Ấn tượng câu chuyện và ánh mắt của bạn làm tôi ghi nhớ suốt nhiều năm về sau. Trường hợp của bạn tôi ngày trước nếu so với học sinh hư bây giờ có lẽ chẳng thấm vào đâu.
>> 'Thi tốt nghiệp THPT không áp lực bằng tuyển sinh lớp 10'
Trở lại với câu chuyện làm gì để thay đổi bộ mặt của giáo dục nước nhà? Theo tôi, giáo dục nên phân rõ hai phần: giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên sâu, nâng cao. Nhưng dù là gì thì cũng đều phải phù hợp, hữu ích và mang lại hiệu quả nhất cho người học, cho gia đ
ình và cả xã hội. Kết quả thiết thực nhất là khả năng hội nhập với cuộc sống, thích ứng với loại hình công việc, có tương lai tốt hơn, cuộc sống hạnh phúc hơn nhờ có học vấn. Giáo dục phổ thông tốt là nền tảng, cơ sở sức mạnh của đất nước, hạnh phúc của người dân. Giáo dục chuyên sâu sẽ tiếp thêm nguồn lực cho việc phát triển, hội nhập thế giới hướng đến tương lai.
Hiện giờ có quá nhiều kỹ năng mà trẻ cần học, tự thảo luận ở lớp, chuẩn bị đề tài khi ở nhà thay vì chỉ học những bài lý thuyết, đánh đố chưa rõ tác dụng. Đó là kỹ năng giao tiếp học đường chống bị bắt nạt, quản lý sử dụng tiền bạc, tiết kiệm, tự bảo vệ khi tham gia mạng; là nghề nghiệp học sinh muốn làm sau này, dù nhận thức và ý thích mong muốn sẽ thay đổi, nhưng thảo luận này luôn cuốn hút nhiều học sinh một cách hào hứng; là những kiến thức luật, trách nhiệm theo tuổi mà các em được quyền hay phải tuân thủ; là những tiết học về loài gậm nhấm có lồng thỏ, lồng chuột bạch mượn từ vườn sinh vật; học về gió mùa nhiệt đới để biết khi nào vào mùa mưa... Tất cả những thứ ấy trao cho học sinh, dù giàu hay nghèo, đủ kiến thức và cơ hội để bước vào đời.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.