Khi điểm học bạ dần trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc tuyển sinh vào các cấp, đặc biệt là đại học, thực trạng nâng điểm, làm đẹp học bạ, đánh giá không thực chất cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Thậm chí, hoạt động này còn được hợp thức hóa bằng nhiều cách khác nhau.
Nói về thực trạng lạm phát điểm 10, độc giả Tran Huu Nghi chia sẻ: "Thời buổi bây giờ, học sinh nào cũng dễ dàng đạt điểm 10, học sinh xuất sắc. Ngày nay kiếm được một học sinh có học lực khá còn là chuyện hiếm. Có khi, giáo để học sinh của mình bị xếp loại khá còn bị kiểm điểm, nên ai cũng cố nâng điểm cho học trò. Cháu tôi ở nhà suốt ngày mải chơi, không chịu học bài, làm bài tập. Tới giờ học, mẹ phải kè kè kèm cặp bên cạnh mà cháu còn nhớ nhớ quên quên, không hiểu bài. Mới học chút xíu cháu đã than nhức đầu. Ấy vậy mà vừa rồi tổng kết năm học, cháu đạt loại xuất sắc, đòi bố mẹ thưởng hẳn một chuyến đi du lịch biển mới chịu".
Cùng chung nỗi hoài nghi về chất lượng dạy và học ngày nay, bạn đọc Luan Nguyen bày tỏ: "Chất lượng học sinh bây giờ quả là không biết dùng từ gì để diễn tả. Con tôi có kết quả thi cuối kỳ vừa rồi chỉ 3,5 điểm. Ấy vậy mà đi họp phụ huynh, nhìn trong học bạ, tôi thấy có một điểm 10 Toán. Tôi đem thắc mắc về hỏi con xem có thật là con từng được 10 điểm môn Toán hay không? Con tôi trả lời rằng 'không có'. Thế mới thấy điểm số trong học bạ giờ cũng khó mà tin được".
Đánh giá câu chuyện nâng điểm học bạ từ góc nhìn của giáo viên, độc giả Thai Nguyen cho rằng: "Vợ tôi cũng làm giáo viên nên tôi biết rõ thực trang nâng điểm. Từ nhà trường cho đến giáo viên, và cả phụ huynh, học sinh, ai cũng muốn có thành tích cao hết. Thế nên, dù học sinh học đến lớp 9 vẫn viết sai chính tả một nửa; mất căn bản Toán, chỉ làm được cộng, trừ, nhân, chia... nhưng cũng vẫn chín năm liền xếp loại giỏi, năm nào cũng lãnh thưởng, học bạ thì toàn 8 điểm trở lên. Các em này mà mang học bạ đi xét điểm đại học vào những ngành như bác sĩ, kỹ sư, CNTT thì chắc chỉ làm rầu thêm cho các trường đại học và công ty tuyển dụng".
>> 'Học bạ đẹp nhưng đi thi vẫn điểm kém'
Nhấn mức độ trầm trọng của bệnh thành tích trong ngành giáo dục, bạn đọc Nguyen Milano bình luận: "Bệnh thành tích đang làm hỏng cả một thế hệ trẻ nhỏ. Đề nghị ngành giáo dục bỏ hoặc giảm bớt áp lực thành tích cho các thầy, cô. Ngoài ra, việc đánh giá năng lực của giáo viên cũng cần phải dựa thêm vào các tiêu chí khác nữa ngoài điểm số để giảm nhẹ việc phụ thuộc từ thành tích học tập của các con. Ví dụ như đánh giá đạo đức của học sinh có tiến bộ hơn so với trước không, nghị lực của các con có phát triển không...? Kiến thức chỉ là một phần của cuộc sống, không nên chỉ chú trọng vào một mặt mà bỏ qua các mặt khác của học sinh".
Làm gì để giảm bớt việc nâng điểm cho học sinh của giáo viên, độc giả Tuệ đề xuất: "Phải có hình thức răn đe, cảnh cáo, kiểm soát việc cho điểm học bạ của các thầy, cô giáo, để họ không thể chấm điểm một cách tùy tiện. Đơn giản là so sánh điểm thi và điểm học bạ, chỉ cần có sai số lớn (khoảng cách khác biệt giữa điểm thi và học bạ) thì phải có thanh, kiểm tra xem có hiện tượng chấm nới tay, mua điểm học bạ... hay không? Trường hợp nào vi phạm thì phải tiến hành xử lý, từ cảnh cáo đến buộc thôi việc với các giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Bigdata là công nghệ có thể dự đoán, sàng lọc được các tình huống chấm học bạ nới tay này. Tăng cường các cuộc thi, chấm điểm có tính giám sát, kiểm tra để đối chứng kết quả trong nhà trường bằng việc thuê bên kiểm định chất lượng giáo dục riêng cũng là một cách có thể áp dụng. Chúng ta không thể để các nhà trường vừa chấm điểm, vừa đào tạo, vừa tự tung hô, làm đẹp thành tích của mình như hiện nay. Phải tách bạch hai bên: một bên đào tạo; một bên quản lý, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục riêng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.