Hoang mang để định hướng nghề nghiệp cho mình gần như là cảm giác mà mọi học sinh đều phải trải qua. Và đáng tiếc, nhiều gia đình lại chọn cách áp đặt, lựa chọn thay, bắt đứa trẻ đi theo nghề chúng chưa thực hiểu rõ.
Nói về câu chuyện dạy học nghề ở bậc học phổ thông, mấy mươi năm trước, lớp cấp hai của tôi được dạy nghề nấu cơm, may vá, thêu thùa. Hơn nửa số con trai trong lớp tôi thêu được và có một số thêu rất đẹp. Rồi một ngày, có hai người đem gỗ, đem dụng cụ mộc vào lớp để dạy. Dù không phải giáo viên chuyên môn nhưng hai bác vẫn cố gắng vận dụng kỹ năng sư phạm để truyền đạt nghề bằng tất cả nhiệt tâm của mình. Sau này, có ba bạn theo nghề mộc và đến giờ rất thành công.
Đầu năm, lớp tôi có chín bạn học kém, trong đó bốn bạn nhiều nguy cơ rớt tốt nghiệp. Cũng có vài bạn là trẻ hư. Nhưng chúng tôi cùng học và hỗ trợ, giúp nhau tiến bộ. Cuối năm, cả lớp đều tốt nghiệp loại khá trở lên, đều là trò ngoan. Sau đó, có bạn học chuyên, có bạn theo học nghề.
Thời đó, điều kiện vật chất, học tập cũng rất khó khăn. Như với môn Vẽ, chúng tôi học vẽ cơ bản, vẽ trang trí, vẽ phong cảnh, vẽ mẫu tĩnh vật, con vật, vẽ chân dung và bài thi sáng tác tự do, học sinh nào cũng cố gắng, không ai rớt vì môn học này. Ai có giấy gì thì vẽ trên giấy, đóng kim tập hay có người mua quyển vở 50 trang, lấy bớt vài đôi giấy làm bài thi.
>> 'Thi tốt nghiệp THPT không áp lực bằng tuyển sinh lớp 10'
Còn có cô giáo của chúng tôi dặn dò, nếu học tốt các môn, chăm ngoan không phải nhận xét phê bình thì sẽ dành nữa tiết chủ nhiệm để đọc, kể những câu chuyện hồi hộp, ly kỳ... Những thầy, cô giáo mấy mươi năm trước, học trò chúng tôi đến giờ vẫn nhớ, vẫn tìm thăm. Thế nên, giáo dục quan trọng là ở tấm lòng, ở phương pháp nữa. Nhiều bạn học của tôi sau này cũng theo nghề giáo vì những kỷ niệm đẹp đẽ đó.
Giáo dục thời khó khăn là thế nhưng vẫn làm được những thứ lớn lao như vậy. Tôi ước gì độ dày của các cuốn sách giáo khoa hiện giờ có thể giảm bớt đi một phần ba. Thay vào đó, chúng ta sẽ để dành thời gian dạy cho học sinh nhiều kỹ năng có ích khi các em về nhà, giúp trẻ có chút cơ sở, cái nhìn khi chọn nghề, biết định hướng, định đoạt tương lai khi rời ghế nhà trường.
Thời gian mỗi ngày của học sinh ở trường rất dài, tỷ lệ học sinh hư hỏng không phải chỉ do gia đình, xã hội, môi trường sống, mà chính giáo dục và môi trường giáo dục phải có phần trách nhiệm. Những bài Toán, bài Văn mà chúng ta đang dạy cho học sinh mỗi ngày đúng là rất cần thiết nhưng cũng rất vô bổ nếu nó chỉ được dạy lặp đi lặp lại một cách sáo rỗng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.