Trường chuyên, lớp chuyên, lớp chọn, các loại giấy khen, điểm số... là những thứ tạo ra áp lực không chỉ cho học sinh mà còn cho cả xã hội. Nhà nhà chạy theo chúng để có thể đạt được cái gọi là tiêu chuẩn đánh giá của xã hội. Còn mục đích chính của việc tới trường học kiến thức, phát triển bản thân thì lại bị bỏ qua.
Tôi tin rằng số người học trường thường mà làm trưởng phòng, lãnh đạo, giám đốc, bác sĩ, kỹ sư... giỏi còn nhiều gấp tầm trăm lần trường chuyên. Bàn về đóng góp cho sự phát triển xã hội thì còn xa vời lắm. Chủ yếu là nói về sự thỏa mãn của bản thân đứng trên sự đánh giá của xã hội, như lương cao đóng thuế nhiều thôi. Nhiều "nhân tài" rồi cũng ở lại nước ngoài, rồi gửi kiều hối cho gia đình họ thôi. Trong khi tôi thấy có nhiều người, không rõ học chuyên hay không, vẫn trở về quê, mở nhà máy ở những nơi nghèo khó, giúp dân có việc làm, thu nhập, mở rộng tư tưởng, tầm nhìn.
Bản thân tôi đây phản đối trường chuyên vì cái tư tưởng thành tích đang bao trùm nền giáo dục. Chuyên rồi chọn, học sinh giỏi rồi lại giỏi hơn, thành xuất sắc. Điểm 10 môn giỏi chưa đủ, còn phải 10 toàn diện, xuất sắc cả những môn không tính điểm, rồi lại tới hàng loạt chứng chỉ, bằng cấp... Cuối cùng, cả xã hội lo chạy trường cho con, nhắm trường thật tốt nhất, vang danh nhất, chứ có đem con đi đánh giá năng lực trước tiên đâu. Người ta cứ chạy theo các cánh cửa danh vọng. Chẳng lẽ không ai nhận ra sự lãng phí?
Nhiều người luôn nghĩ rằng học chuyên chứng tỏ tài giỏi hơn, đẳng cấp hơn, ai ai cũng phải ngưỡng mộ. Có lẽ xã hội đều thấm nhuần tư tưởng này, nên người người nhà nhà đua nhau học lò, luyện đề để thi vào trường chuyên, chọn, đua nhau điểm số 10 lung linh... Và xã hội chọn cho con luyện đề từ 3 tuổi. Tôi không ghen tỵ mà chỉ thấy những tư tưởng trên nên loại bỏ để nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.
>> 'Trường chuyên tạo ra sự thiếu công bằng trong giáo dục'
Ngôi trường hay con người (học sinh) mới tạo ra sự khác biệt? Bill Gates và Mark Zuckerberg cũng bỏ học tại các trường Đại học đó thôi, nhưng họ vẫn thành công mà không cần phải cầm tấm bằng danh giá của trường này, trường kia. Không rõ hai ông có học được nhiều từ trên ghế nhà trường không nữa?
Ở ta, hãy nhìn những học bạ toàn điểm 10 đẹp đẽ, những lò luyện thi mọc lên khắp khu vực quanh mỗi trường chuyên, trường điểm, những cặp sách nặng nề trên vai các bạn nhỏ, những cặp kính dày cộm, những đêm thức khuya, dậy sớm, rồi cả ngày luyện đề, luyện dạng, 100 bài chỉ như thay số... để thấy thực trạng trường chuyên đang ảnh hưởng nặng nề như thế nào lên các thế hệ học sinh?
Thời tôi đi học, gần như không có thầy cô nào quan tâm tới các bạn học dở hay học chậm cả. Những học sinh như thế phần lớn chỉ được nghe những lời chỉ trích vì kéo điểm số cả lớp xuống thôi. Suy cho cùng cũng vì cái tư tưởng chuyên, chọn, giỏi, xuất sắc, đặc biệt mà thôi.
Tôi không biết trường chuyên ở Mỹ học ra sao? Nhưng có một bộ phim tên Gifted, cô bé nhân vật chính đã được người chú ruột đấu tranh để được hòa nhập với các bạn cùng trang lứa, thay vì vùi đầu vào học Toán - môn mà cô bé có năng khiếu. Và tôi mong người Việt cũng nghĩ được như vậy.
La La
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.