Tôi đang sinh sống và làm việc ở Hà Lan, rất đồng cảm với những chia sẻ của tác giả John Dua Le trong bài viết "Con tôi 9 h sáng đi học, 3 h chiều về nhà". Tôi cũng xin kể đôi điều về cuộc sống của gia đình mình, đặc biệt là chuyện học hành của con cái để các bạn hiểu thêm về những khác biệt của môi trường giáo dục phương Tây.
Con tôi đang đi học tiểu học miễn phí từ 8h30 sáng tới 2h30 chiều. Sau giờ học, con không về nhà vì mới 4 tuổi. Thay vào đó, con sẽ được cô giáo dẫn đi bộ qua một cái sân, sang khu gửi trẻ ngoài giờ. Đây là dịch vụ phải đóng phí dành cho những gia đình có nhu cầu.
Ở đây, trẻ ở đủ mọi lứa tuổi được chơi chung với nhau tới lúc nào ba mẹ tới đón. Thông thường, những lớp như vậy mở cửa đến khá muộn. Bố mẹ nào không đi làm, hoặc làm ở nhà, có thể trông được con thì sẽ đón con về để khỏi mất thêm tiền. Vì trường thường chỉ cách nhà vài trăm mét hoặc một km, nên những trẻ lớn hơn có thể tự đi về nhà.
Với bậc tiểu học, các con hầu như học kiến thức rất ít. Con tôi đi học nhưng trong cặp toàn là đồ chơi và gấu bông. Các con không phải vất vả rèn viết chữ đẹp như ở Việt Nam, chỉ cần viết đủ để đọc được. Các kỳ thi hầu như không được báo trước, nên các con không phải vất vả ôn thi.
Vợ chồng tôi vốn xuất thân từ vùng thôn quê Việt Nam. Thời chúng tôi đi học tiểu học mất nửa ngày, đến chiều là tôi nghỉ học, đi lang thang bắt chuồn chuồn. Việc học vui vẻ, nhẹ nhàng như thế tới năm lớp 3. Khi đó, mẹ tôi bảo rằng "đã đến lúc cần tập trung học hành".
>> Vỡ mộng ra nước ngoài dễ sống
Tôi bắt đầu tham gia thi tuyển chọn vào các lớp tốt hơn. Rồi tôi cũng đỗ và bắt đầu học đội tuyển - học ngày, học đêm. Vợ chồng tôi học cùng lớp từ thời lớp 3, chạy theo guồng máy học hành miệt mài như thế tới hết năm lớp 12. Chúng tôi lúc nào cũng trong top 10 học sinh xuất sắc nhất của lớp chọn, chồng tôi còn đỗ thủ khoa đại học. Nhưng chúng tôi đều biết rằng, mình đã kết thúc tuổi thơ ngay từ năm lớp 3. Đấy là chúng tôi còn học đội tuyển nên cũng bớt được khoản cày ải ở các lò luyện thi đại học như chúng bạn.
Chúng tôi không muốn con cái mình phải kết thúc tuổi thơ sớm như thế nữa. Ở Việt Nam, nếu ở quê, học ít chơi nhiều thì hệ quả là các con sẽ không có cuộc sống tốt sau này. Nhưng ở bên này lại khác, tất cả học sinh đều được chơi là chính đến hết tiểu học. Sau đấy, tùy năng lực của từng em mà phân loại lên trung học. Đến trung học, các bé giỏi sẽ học trường riêng, học sinh năng lực trung bình học riêng. Tất nhiên, muốn vào được đại học, học sinh phải học nặng hơn nhiều. Nhưng nhìn chung cũng không đến mức học ngày, học đêm như ở trong nước.
So với đời tôi, con cái giờ ở châu âu sướng hơn rất nhiều. Toàn bộ nền giáo dục ở đây được thiết kế để tất cả học sinh đều được học ít, có thời gian chơi thể thao, hoạt động ngoại khóa, chơi các môn năng khiếu... Vì tất cả giống nhau nên không học sinh nào phải học thêm, khỏi phải lo cạnh tranh điểm số.
Tất nhiên, Việt Nam muốn làm được như vậy không phải là chuyện đơn giản theo kiểu "chơi thì cứ chơi, đâu ai bắt học nhiều". Nếu hồi bé, tôi không học lớp chọn, học đội tuyển, học quên chơi, quên ngủ, thì chưa chắc giờ này đã có được cuộc sống đáng mơ ước ở nước ngoài. Nếu tôi chơi nhiều như những bạn khác, tôi sẽ không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau này. Đó là thực tế ở trong nước.
Do vậy, muốn học sinh Việt có được một tuổi thơ trọn vẹn, nền giáo dục Việt Nam cần thiết kế lại chương trình cho hệ tiểu học, giảm tải bớt khối lượng kiến thức cho toàn bộ học sinh một cách đồng bộ, để các em được chơi nhiều hơn mà không phải lo sẽ bị tụt lại so với bạn bè.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.