Ở Việt Nam, hệ thống trường chuyên, lớp chọn đã phát triển từ rất lâu. Đặc điểm quan trọng của trường chuyên, lớp chọn là sự hội tụ của thầy giỏi và trò giỏi. Tuy nhiên, mô hình này cũng tồn tại nhiều bất cập khi quá chú trọng môn chuyên và các kỳ thi học sinh giỏi.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao chúng ta lại cần phải có trường chuyên, lớp chọn ở cấp THPT? Chẳng phải bậc Đại học, Cao đẳng chính là những trường chuyên cho những ngành nghề nhất định đó sao? Còn nếu do nhu cầu xã hội thì nên để trường chuyên đó ở dạng trường tư thục, tư nhân và tự túc về chi phí. Để ai có nhu cầu sẽ phải đóng góp kinh phí để học. Còn ngân sách nhà nước nên đảm bảo công bằng xã hội.
Trường chuyên nhưng lại chuyên về kiến thức phổ thông, cơ bản, theo tôi cũng không hợp lý lắm. Ở cấp THPT học chuyên để làm gì với kiến thức phổ thông đó? Kiến thức phổ thông chỉ là trang bị cơ bản để học sinh có thể học các chuyên ngành cụ thể ở cấp Đại học, Cao đẳng... sau đó đi làm. Hoặc ngay cả khi không học tiếp thì học sinh cũng có những kiến thức cơ bản về cuộc sống để đi làm.
Ngoài ra, học chuyên ở cấp THPT còn có ứng dụng gì khác? Khi tốt nghiệp chuyên THPT, liệu người học ra trường có làm được gì không mà gọi là nhân tài? Nhân tài chỉ cần học giỏi kiến thức phổ thông thôi sao? Kể cả là tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam hay nước ngoài đi nữa thì nhân tài cũng không phải là người chỉ biết mỗi học giỏi. Đó mới chỉ là người học tài thôi chứ chưa phải nhân tài.
>> 'Lãng phí nếu xóa sổ trường chuyên'
Cứ xem điều kiện kinh tế của gia đình có những học sinh học chuyên với không chuyên xem, đa số có nền tảng kinh tế tốt, môi trường gia đình tốt, nên họ mới thành đạt hơn. Đó mới là điều quan trọng. Nếu gia định muốn rèn giũa con cái như vậy thì nên học ở những trường chuyên tư thục, tư nhân. Còn ngân sách nhà nước thì không nên tập trung nguồn lực để phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ người. Như thế sẽ không công bằng. Việc một người có tài hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố chứ không riêng mỗi việc học kiến thức sách vở ở trường chuyên cấp THPT.
Havard cũng là một trường Đại học tư thục đó thôi. Muốn được học môi trường tốt hơn, cơ sở vật chất hiện đại hơn, chất lượng hơn thì người học phải bỏ tiền ra, đó là điều đương nhiên. Học sinh trường chuyên đâu có cam kết mang lại thành quả gì cho đất nước hơn người học trường thường mà nhà nước phải bỏ ngân sách đầu tư?
Vậy lý do đầu tư nguồn lực cho trường chuyên để làm gì vậy? Tài năng, thực lực hay gì đó thì các bạn học sinh chuyên hưởng chứ xã hội đâu có được gì. Giống như các chương trình nhà nước đưa người đi đào tạo nước ngoài đều cam kết về cống hiến cho nước nhà trong một thời gian nhất định, nếu không sẽ phải trả lại tiền đã đầu tư cả gốc lẫn lãi. Nếu các học sinh chuyên cũng cam kết được vậy thì việc nhà nước đầu tư vào trường chuyên mới công bằng. Nhân tài hay học tài hay gì đi nữa thì cứ phải dựa vào kết quả định lượng được.
Nguyen Hoa
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.