BS.CKII Trần Thị Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết béo phì là tình trạng cơ thể có quá nhiều mỡ, chỉ số khối (BMI) lớn hơn 30. Béo phì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như viêm xương khớp, ung thư, đột quỵ... Người béo phì có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao gấp 6 lần so với người có cân nặng bình thường, do kháng insulin dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường.
Người bệnh có thể tự tính BMI để phát hiện béo phì. Nhờ đó lên kế hoạch theo dõi cân nặng, kiểm soát và duy trì trọng lượng phù hợp, tránh ảnh hưởng sức khỏe.
Công thức tính BMI cho người châu Á theo đánh giá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Đái tháo đường các nước châu Á (IDI & WPRO) là BMI = Trọng lượng cơ thể : (chiều cao x2).
Người gầy có chỉ số BMI dưới 18.5, ở người bình thường là 18.5-24.9, thừa cân BMI từ 25, tiền béo phì khoảng 25-29.9, béo phì độ 1 là 29.9-34.9... Dựa theo thang phân loại IDI & WPRO, chỉ số BMI lý tưởng nhất cho người Việt Nam là 18.5-22.9.
Theo bác sĩ Ngân, chỉ số BMI của người châu Á không cao như người châu Âu, tuy nhiên có tình trạng tích trữ mỡ tạng thể hiện qua béo bụng. Nam giới có số đo vòng bụng lớn hơn 90 cm, nữ giới lớn hơn 80 cm làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, tiểu đường.
Giữ cân nặng ở mức vừa phải, thay đổi lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa tiểu đường, ngăn biến chứng. Người béo phì chưa bị tiểu đường, thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao cần có kế hoạch ăn uống điều độ kết hợp luyện tập hợp lý để điều chỉnh cân nặng, phòng bệnh.
Người béo phì đã mắc tiểu đường nên có chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, giàu vitamin (rau xanh, trái cây tươi). Hạn chế ăn mỡ, phủ tạng động vật, đồ ăn vặt và thức ăn nhanh, ăn bữa tối ít năng lượng để hạn chế biến chứng. Nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát đường huyết.
Người bệnh giảm cân giúp giảm các tế bào mỡ, giảm tình trạng kháng insulin, thúc đẩy chuyển hóa đường tốt hơn. Giảm 5-10% trọng lượng cơ thể ban đầu giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2000 thế giới có 171 triệu người mắc tiểu đường, dự đoán số này tăng lên 366 triệu vào năm 2030. Theo thông tin của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng hơn 5 triệu người bệnh tiểu đường.
Mai Hoa
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |