Mật ong có chỉ số đường huyết (GI) 50, thấp hơn đường với GI là 80, không làm đường huyết tăng nhanh như đường trắng, có ít tác động hơn đường khác. Tuy nhiên, mật ong là một loại carbohydrate tự nhiên nên vẫn có thể làm tăng mức glucose (đường) nếu tiêu thụ thường xuyên hoặc với lượng lớn. Khi dùng điều độ, mật ong an toàn cho người tiểu đường.
Dưới đây là lợi ích của mật ong với người bệnh.
Tăng cường insulin
Insulin là hormone do tuyến tụy sản xuất để điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi đường huyết tăng lên, tuyến tụy giải phóng insulin. Hormone này hoạt động đưa glucose từ máu vào tế bào để sử dụng làm năng lượng, giúp hạ đường huyết.
Trường Đại học Khoa học Y tế Tehran (Iran) thực hiện nghiên cứu trên 128 người mắc tiểu đường type 2, vào năm 2009-2019, về tác động của mật ong với bệnh. Người tham gia ăn 5-80g mật ong mỗi ngày, trong 8-12 tháng. Kết quả cho thấy mật ong kích thích phản ứng insulin hơn các loại đường khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng mật ong có lợi cho người tiểu đường, có thể ngăn ngừa bệnh này khi ăn vừa phải.
Tăng mức độ C-peptide
C-peptide là một chất được sản xuất và giải phóng bởi tuyến tụy cùng với insulin. Mức độ C-peptide tăng lên cho thấy cơ thể đang sản xuất nhiều insulin.
Nghiên cứu năm 2012 của Viện Tiểu đường Quốc gia Ai Cập trên 50 người mắc tiểu đường type 1 cho thấy tiêu thụ mật ong làm tăng mức độ C-peptide. Nó cũng ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu so với sucrose (đường tách ra từ mía, củ cải đường, một số loại trái cây). Hai điều này đều có tác động tốt với bệnh tiểu đường.
Phân tích năm 2017 của Trường Đại học King Saud (Ả Rập Saudi) dựa trên 107 nghiên cứu chỉ ra bổ sung mật ong làm tăng hiệu quả nồng độ C-peptide hai giờ sau ăn.
Làm giảm cholesterol
Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Toronto (Canada) phát hiện dùng mật ong thô, chưa qua chế biến làm giảm cholesterol và ổn định đường huyết. Cụ thể hơn 1.100 người tham gia nghiên cứu dùng 40 g mật ong thô hàng ngày, trong 8 tuần. Kết quả cho thấy họ có mức đường huyết lúc đói, chất béo trung tính (Triglyceride), LDL (cholesterol xấu) và mức cholesterol tổng thể đều giảm xuống.
Người tiểu đường có nhiều khả năng phát triển cholesterol cao, còn gọi là rối loạn lipid máu do tiểu đường tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Giảm cholesterol giúp giảm nguy cơ này.
Giàu chất chống oxy hóa
Căng thẳng oxy hóa là nhân tố chính trong sự phát triển của biến chứng tiểu đường như bệnh tim mạch, thận mạn tính và thần kinh.
Chất chống oxy hóa là những hợp chất có trong thực phẩm giúp bảo vệ cơ thể chống lại căng thẳng oxy hóa. Mật ong giàu chất chống oxy hóa polyphenol. Năm 2020, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Malaysia Kelantan phát hiện ra đặc tính chống oxy hóa trong mật ong có thể ngăn ngừa tổn thương oxy hóa đối với não, tim và nhiều cơ quan khác. Polyphenol trong mật ong còn có hoạt tính bảo vệ tế bào beta tuyến tụy, do đó làm giảm bệnh tiểu đường.
Mật ong cung cấp vitamin, khoáng chất, có chỉ số đường huyết thấp hơn đường nên là chất thay thế tốt cho đường ăn. Vì nó ngọt hơn đường 2-3 lần nên không cần sử dụng nhiều. Dùng 40 g mật ong mỗi ngày (6 thìa cà phê) chứa khoảng 34 g đường, tương đương với lượng đường khuyến nghị hàng ngày cho nam giới. Phụ nữ và trẻ em dùng lượng ít hơn.
Nếu người bệnh tiểu đường không kiểm soát đường huyết tốt cần hạn chế ăn mật ong và theo dõi đường huyết khi dùng. Không nên tiêu thụ nhiều mật ong hàng ngày mà không có chỉ định của bác sĩ. Trẻ dưới một tuổi không dùng mật ong vì có nguy cơ ngộ độc.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |