Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm, Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, khói bếp nguy hiểm được tạo ra từ quá trình sử dụng các nguyên liệu có nguy cơ gây ô nhiễm như: gỗ, than củi, than đá, phân, cỏ... để nấu ăn, hoặc khi đun nóng dầu ăn ở nhiệt độ cao. Khối lượng lớn các khí độc hại như: carbon monoxide, nitrogen dioxide... có thể xâm nhập vào phổi gây viêm phổi và viêm đường hô hấp.
Một nghiên cứu dựa trên 1.134 gia đình thường xuyên nấu ăn tại nhà ở tỉnh Phitsanulok (Thái Lan) cho thấy việc tiếp xúc với khói bếp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp. Trong đó, các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: sổ mũi, khó thở, ho mạn tính. Nghiên cứu được đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ.
Bác sĩ Phùng Thơm cho biết thêm, nấu ăn bằng bếp gas đặc biệt không tốt vì nó tạo ra nhiều hạt vật chất và các khí độc hại như: carbon dioxide và nitrogen dioxide - một chất gây ra các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, tim mạch. Thí nghiệm từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley cũng chỉ ra, đun nước sôi trên bếp ga tạo ra gấp đôi lượng nitrogen dioxide so với tiêu chuẩn của Ủy ban bảo vệ môi trường Mỹ.
Trong quá trình nấu ăn, thực phẩm được đun ở nhiệt độ cao khiến các chất như carbohydrate, protein và chất béo bị biến đổi thành các chất độc hại, như andehit và axit alkanoic. Điều này có thể tăng nguy cơ gây kích ứng niêm mạc đường thở, viêm mũi, rối loạn hô hấp, suy giảm chức năng phổi, viêm phổi.
Khói được tạo ra từ quá trình nấu ăn có thể chứa các hợp chất gây ung thư và đột biến. Theo cơ quan Nghiên cứu Ung thư Mỹ, khói dầu ăn chứa hơn 200 loại khí độc hại.
Bác sĩ Phùng Thơm khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe đường hô hấp, chúng ta nên hạn chế tiếp xúc với khói bếp bằng cách tăng cường hấp và luộc thay vì chiên rán, hạn chế nấu ăn ở nhiệt độ cao. Gia đình nên sử dụng dầu thực vật, trang bị máy hút mùi trong phòng bếp, mở cửa thông thoáng để khí độc thoát ra ngoài sau khi nấu ăn và lau dọn bếp hàng tuần. Người thường xuyên đứng nấu ăn cần làm sạch mũi họng bằng nước muối loãng hàng ngày để giảm tác động từ việc tiếp xúc với khói bếp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm 3,2 triệu người chết sớm vì các bệnh do ô nhiễm không khí trong nhà gây ra do quá trình đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu rắn và dầu hỏa dùng để nấu ăn.
Mai Linh