ThS.BS.CKII Hồ Hữu Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tiêm phong bế thần kinh là phương pháp ngăn chặn sự truyền dẫn tín hiệu đau gửi về não bằng cách gây tê tại chỗ cho các dây thần kinh. Bác sĩ tiêm hoạt chất gồm thuốc tê và steroid vào xung quanh rễ thần kinh đang bị chèn ép và viêm. Người bệnh có thể được tiêm một lần hoặc nhiều lần tùy sự đáp ứng với hoạt chất.
Chị Kiều, ngụ An Giang, bị thoát vị đĩa đệm đốt sống L4-L5 (vị trí đốt sống lưng thứ 4 và thứ 5), chèn ép rễ dây thần kinh tọa bên trái của rễ thần kinh L5, uống thuốc và tập vật lý trị liệu không cải thiện. Người bệnh từng từ chối phẫu thuật do lo ngại biến chứng, nên bác sĩ Dũng chỉ định chị Kiều điều trị bằng tiêm thuốc phong bế thần kinh
Theo bác sĩ Dũng, kỹ thuật này ít xâm lấn, giảm đau nhanh, kháng viêm, hiệu quả lâu dài, tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị. Kỹ thuật tác động trực tiếp vào dây thần kinh bị viêm đòi hỏi độ chính xác cao và môi trường vô trùng đạt chuẩn. Tất cả thao tác được thực hiện dưới sự giám sát của hệ thống chụp X-quang liên tục C-Arm, đảm bảo đưa thuốc tiếp cận đúng rễ thần kinh và phát huy tác dụng nhanh chóng.
Ngay sau tiêm, chị Kiều giảm đau hẳn, không còn tê cứng, hồi phục cảm giác. Vài giờ sau, tình trạng đau khi đi lại cũng cải thiện đáng kể, gần như trở lại như bình thường. Khả năng hồi phục tốt nên chị được xuất viện trong ngày, hẹn tái khám sau một tuần để theo dõi hiệu quả điều trị và kịp thời xử lý các bất thường nếu có.
Bác sĩ Dũng cho hay tiêm phong bế thần kinh là cách điều trị bảo tồn trước khi phẫu thuật, đồng thời là phương pháp điều trị chính cho các trường hợp có chỉ định phẫu thuật nhưng không thể thực hiện do tuổi cao, nhiều bệnh nền... Người bệnh đáp ứng với phương pháp điều trị này khác nhau. Trong trường hợp tiêm phong bế thần kinh không hiệu quả, bác sĩ lựa chọn phương pháp khác, thường là phẫu thuật.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |