Trả lời:
Thụt tháo đại tràng là thủ thuật đưa nước từ hậu môn vào đại tràng để làm mềm, lỏng phân. Thành ruột nở rộng và bị kích thích sẽ co bóp, giúp đẩy phân ra ngoài nhanh chóng. Phương pháp này thường áp dụng cho người bệnh xơ gan, táo bón lâu ngày không thể đại tiện.
Thụt tháo đại tràng còn được thực hiện trước khi nội soi để phát hiện các tổn thương ở ổ bụng, trực tràng, đại tràng. Phương pháp này cũng áp dụng khi chụp X-quang đại tràng bơm thuốc cản quang, điều trị rò rỉ miệng nối sau phẫu thuật, chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi làm phẫu thuật hoặc phụ nữ trước khi sinh con...
Thủ thuật này chống chỉ định với các trường hợp viêm ruột thừa, tắc xoắn ruột, bệnh thương hàn, người có tổn thương ở trực tràng hay hậu môn, viêm ruột hoại tử có nguy cơ thủng.
Hiện, trên mạng lan truyền việc thải độc cơ thể bằng thụt rửa đại tràng, trong đó có sử dụng cà phê. Lợi ích của loại phương pháp thải độc này trong y học chưa được chứng minh. Thụt tháo thường xuyên có thể khiến đại tràng bị giảm kích thích, hệ thần kinh không cảm nhận được cảm giác muốn đại tiện, từ đó làm mất phản xạ đại tiện tự chủ.
Thụt rửa liên tục còn làm rửa trôi vi khuẩn trong đại tràng, gây loạn khuẩn đường ruột, giảm hiệu quả tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc các bệnh đường ruột. Y văn đã ghi nhận ba trường hợp tử vong bằng việc thụt tháo đại tràng bằng cà phê do rối loạn nước điện giải nặng và nhiễm khuẩn.
Đại tràng là đoạn cuối của đường tiêu hóa, có chức năng hấp thu nước để cô đặc phân. Nếu liên tục bơm nước vào, cơ thể thẩm thấu lượng nước dư thừa có thể dẫn tới ngộ độc. Động tác quá đà có thể gây tổn thương ống tiêu hóa. Thực tế cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bị thủng trực tràng do thụt rửa không đúng cách.
Những trường hợp cần thiết, quá trình này phải được thực hiện dưới hướng dẫn và giám sát của nhân viên y tế. Bạn không nên tự ý thụt rửa đại tràng tại nhà.
Để cải thiện táo bón, giúp cơ thể thải độc an toàn, bạn nên uống đủ hai lít nước mỗi ngày, tăng cường ăn rau củ quả và chất xơ, bổ sung lợi khuẩn bằng cách dùng thêm sữa chua, tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 lần một tuần, không nhịn đại tiện... Uống một ly nước ấm vào buổi sáng và tập đứng lên ngồi xuống, kết hợp xoa bụng trong 15 phút sau khi thức dậy cũng là cách tập phản xạ dạ dày ruột, kích thích phản xạ đại tiện.
Nếu tình trạng táo bón vẫn kéo dài, không cải thiện (quá 3-4 ngày không đại tiện, cảm giác đau dữ dội khi đại tiện, phân lẫn máu), bạn nên đi khám chuyên khoa Tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Từ đó, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh có thể cần dùng đến một số loại thuốc hỗ trợ như thuốc nhuận tràng, làm mềm phân, thuốc tăng vận động của đại tràng...
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội