Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, tổn thương gan do sử dụng thuốc kháng sinh nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có thể dẫn tới suy gan cấp tính, nhiễm độc gan dẫn đến tổn thương mạn tính và hội chứng ống mật.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Gastroenterology của Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ(AGA) chỉ ra, có hơn 1.000 loại thuốc và hóa chất khác nhau có thể gây tổn thương gan. Trong tất cả các loại thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh có khả năng gây tổn thương gan cao nhất. Bệnh nhân tiểu đường có thể bị tổn thương gan hơn những người có mức đường huyết bình thường.
Các loại thuốc kháng sinh gây tổn thương gan
Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), thuốc kháng sinh gây ra 25-45% tổng số trường hợp tổn thương gan do thuốc. Thuốc hay gặp nhất là thuốc chống lao chiếm 35% trong tổng số tổn thương gan do thuốc kháng sinh như isoniazid (INH). Thuốc này tăng độc tính với gan khi dùng cùng với rifampicin. Pyrazinamide bản thân là một thuốc chống lao không độc, khi dùng kết hợp với các thuốc chống lao khác (INH, rifampin, ethambutol hoặc quinolones) sẽ có thể gây ra tổn thương gan.
Theo tiến sĩ Khanh, các thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn có nhóm Beta-lactams như penicillins và cephalosporin, khi phối hợp các kháng sinh nhóm này với clavulanate làm tăng độc tính dẫn đến tổn thương gan. Tổn thương gan do những loại kháng sinh này thường xuất hiện trong vài tuần sau khi dùng thuốc.
![Có nhiều loại thuốc kháng sinh có nguy cơ gây tổn thương gan. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/12/08/H71-7056-1670463424.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=y6-iIpiQtDOCX7PCBhu1Uw)
Có nhiều loại thuốc kháng sinh có nguy cơ gây tổn thương gan. Ảnh: Freepik
Triệu chứng và biến chứng
Các triệu chứng của tổn thương gan sẽ khác nhau ở mỗi người. Chúng có thể xuất hiện từ 5 ngày đến 3 tháng sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc. Triệu chứng phổ biến nhất là vàng da. Nguyên nhân do lượng bilirubin tích tụ quá nhiều trong tế bào. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, sốt, tiêu chảy, phân đen, nước tiểu đậm, ngứa, phát ban... Nếu gan bị tổn thương do thuốc kháng sinh, bạn cần ngừng thuốc và tránh bất kỳ thứ gì có thể làm tổn thương gan, chẳng hạn như rượu.
Gan loại bỏ các chất không an toàn ra khỏi cơ thể. Độc tố được thải qua nước tiểu hoặc phân hoặc được phân hủy thành các chất an toàn hơn. Nếu gan không hoạt động tốt, các chất độc này có thể tích tụ. Gan là một phần của nhiều quá trình trao đổi chất giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng. Gan không hoạt động tốt cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình này. Gan giúp các tế bào máu tụ lại với nhau để cầm máu. Một người không có lá gan khỏe mạnh sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về rối loạn đông máu.
Các yếu tố tăng nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương gan bởi thuốc kháng sinh được xác định có thể do di truyền, lớn tuổi, nữ giới, tình trạng dinh dưỡng, uống rượu, thai kỳ, chỉ số BMI cao, tình trạng viêm... Những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột cũng là yếu tố nguy cơ vì chúng ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống miễn dịch và cách cơ thể chuyển hóa thuốc.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán tổn thương gan do thuốc, các bác sĩ thường đánh giá tiền sử bệnh, bao gồm bất kỳ tình trạng gan đã có từ trước và tiền sử dùng thuốc, đồng thời xác định thời điểm bệnh khởi phát và tiến triển.
Nếu bạn vừa kết thúc một đợt thuốc kháng sinh hoặc đã dùng thuốc lâu dài, bác sĩ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe của gan. Hướng điều trị sẽ được cân nhắc dựa trên kết quả xét nghiệm với các chỉ số đo chức năng gan.
Xét nghiệm này đo mức độ của 4 loại enzym khác nhau có trong tế bào gan là AST, ALT, AP và GGT. Xét nghiệm về mật như bilirubin. Tổn thương gan do thuốc có thể đơn thuần là tổn thương tế bào gan dẫn đến tăng men gan AST, ALT và GGT hoặc tổn thương ứ mật là chính. Biểu hiện của bệnh như vàng da ứ mật, xét nghiệm có tăng bilirubin trong máu, cũng có thể là tổn thương hỗn hợp ở gan và đường mật.
Nếu tế bào gan bị tổn thương, các enzym sẽ rò rỉ vào máu và cho kết quả cao hơn mức bình thường khi xét nghiệm. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu sinh thiết gan và sử dụng kết quả để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác của triệu chứng.
Tiến sĩ Khanh cho biết thêm, bên cạnh thuốc kháng sinh, một số loại thuốc chữa bệnh cũng tiềm ẩn nguy cơ gây viêm gan như thuốc chống co giật điều trị động kinh, thuốc chống nấm, thuốc giảm cholesterol (statin), acetaminophen (paracetamol), lithium, isotretinoin (accutane hoặc roaccutane)...
Để tránh tổn thương gan do thuốc, người bệnh chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh nên thăm khám tại cơ sở y tế uy tín có bác sĩ nhiều kinh nghiệm để được chẩn đoán đúng bệnh, uống thuốc đúng liều lượng và được theo dõi sức khỏe. Bạn có thể giảm nguy cơ gan bị tổn hại bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, thực hiện chế độ ăn uống phù hợp cho gan.
Lục Bảo