Ho và cảm lạnh thường xảy ra do dị ứng, thay đổi thời tiết và những yếu tố khác. Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, cơ thể chúng ta sẽ dễ mắc bệnh cảm lạnh nhiều hơn do hệ miễn dịch bị suy yếu và gây ho. Tình trạng này về lâu dài có thể gây khó chịu và suy nhược. Nếu ho quá nhiều, người bệnh sẽ bị khàn tiếng, đau cổ họng và khó nuốt. Dưới đây là các loại thực phẩm có khả năng hỗ trợ giảm ho và làm thuyên giảm cảm lạnh.
Gừng
Khi nói đến điều trị cảm lạnh thông thường, gừng là một trong những thực phẩm giúp giảm đau và chữa ho phổ biến tại nhà. Theo các nhà khoa học, gừng hoạt động như một chất chống viêm nhờ chứa một số hợp chất làm giãn mạch máu phổi và thư giãn các cơ trơn dẫn đến mở đường hô hấp.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Y học Dự phòng (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã khẳng định đặc tính chống viêm mạnh của gừng là chìa khóa để chống lại cảm lạnh hoặc cúm. Nguyên nhân là do tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của cơ thể. Khả năng chống viêm của gừng có thể đóng vai trò chính trong việc tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Tỏi
Tỏi có thể được dùng như một chất bổ sung để giảm bớt các triệu chứng cảm lạnh (nguyên nhân gây nên triệu chứng ho) hoặc tăng cường hệ thống miễn dịch. Trong một nghiên cứu được công bố tại Thư viện Cochrane (Anh), những người trưởng thành dùng giả dược sẽ dễ bị cảm lạnh gấp 3 lần so với những người chọn bổ sung tỏi hàng ngày. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng khả năng chống cảm lạnh của tỏi đến từ hợp chất allicin. Hợp chất này ngăn chặn các enzyme đóng vai trò trong nhiễm trùng do vi khuẩn và virus.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy lợi ích bất ngờ từ tỏi. Theo đó, những người tham gia dùng 2,56 g tỏi đều đặn trong 45 ngày đã giảm 20% mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh và hồi phục nhanh hơn 61% so với nhóm dùng giả dược.
Mật ong
Mật ong rất linh hoạt trong các đặc tính chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm và chống viêm nên có thể giúp giảm cường độ và thời gian ho.
Thậm chí, các nhà khoa học còn cho biết, mật ong có thể là phương pháp chữa trị tự nhiên tốt nhất cho chứng ho khan vào ban đêm. Nghiên cứu được đăng tải tại tạp chí Nhi khoa (Mỹ) đã phát hiện ra rằng trẻ em ăn 2 muỗng cà phê mật ong 30 phút trước khi đi ngủ sẽ giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn ho vào ban đêm và ngủ ngon hơn so với những trẻ không dùng mật ong.
![Người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng cách kết hợp hai muỗng cà phê mật ong với trà thảo dược hoặc nước ấm và chanh để thuyên giảm cơn ho. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/12/14/sad-ill-asian-girl-staying-sel-3586-2234-1670997760.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WfdR2zZe9NLAd262-ODdZw)
Người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng cách kết hợp hai muỗng cà phê mật ong với trà thảo dược hoặc nước ấm và chanh để thuyên giảm cơn ho. Ảnh: Freepik
Cam
Cam chứa nhiều vitamin C, một chất dinh dưỡng thiết yếu giúp giảm bớt các triệu chứng cảm lạnh cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi. Theo Mayo Clinic, những người uống vitamin C trước khi các triệu chứng cảm lạnh bắt đầu có thể rút ngắn thời gian mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Dịch tễ học và Sức khỏe Dân số Quốc gia tại Đại học Quốc gia Australia, vitamin C rất hữu ích trong việc ngăn ngừa cảm lạnh thông thường cho những người tiếp xúc với môi trường dễ gây bệnh, chẳng hạn như thời tiết lạnh.
Súp gà
Súp gà (canh gà hầm) là món ăn mà người bệnh có thể tin dùng khi bị đau họng, ho nặng hoặc cảm cúm. Theo các nhà khoa học, những nguyên liệu chế biến món súp gà có tác dụng hiệu quả trong việc giúp giảm ho và cảm lạnh.
Ngoài ra, một nghiên cứu trên Tạp chí Trị liệu Mỹ đã chứng minh sức mạnh chữa bệnh của súp gà là do carnosine. Đây là một hợp chất có trong ức gà và nước dùng gà. Chúng có tác dụng giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các triệu chứng như cúm bằng cách ức chế giải phóng oxit nitric gây viêm.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những bệnh nhân ăn súp gà có thể giảm nghẹt mũi tốt hơn so với những bệnh nhân uống nước lạnh và nước nóng.
Kiwi
Kiwi nghe có vẻ không liên quan nhưng lại là một trong những thực phẩm trị cảm lạnh hiệu quả từ tự nhiên. Theo Tạp chí Dinh dưỡng (Anh), chất dinh dưỡng trong kiwi sẽ giúp tăng cường đáng kể nồng độ hồng cầu tăng cường miễn dịch trong các tế bào hồng cầu. Do đó, loại quả này sẽ giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh và thậm chí rút ngắn bệnh tật.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 132 người trưởng thành cũng cho thấy lợi ích tương tự. Theo đó, một nửa nhóm tham gia sẽ được chỉ định ăn theo chế độ ăn hàng ngày bao gồm 4 trái kiwi vàng; nửa còn lại bổ sung chế độ ăn của họ với hai quả chuối mỗi ngày. Kết quả cho thấy những người ăn kiwi hết đau họng sớm hơn ba ngày so với những người ăn chuối. Kèm theo đó, chứng nghẹt mũi và đau đầu cũng hết sớm hơn gần bốn ngày.
Hạt hạnh nhân
Hạnh nhân có chứa đặc tính phòng ngừa giúp chữa cảm lạnh và ho hiệu quả. Theo các nhà khoa học, lợi ích này là do vỏ hạnh nhân có chứa polyphenol, một hợp chất chống lại bệnh tật và giúp tăng độ nhạy cảm của các tế bào bạch cầu nên có khả năng chống virus.
Thú vị hơn, các nhà khoa học còn cho biết hạt hạnh nhân sau khi được tiêu hóa vẫn còn tồn tại khả năng tăng cường miễn dịch trong một thời gian khá dài. Đặc biệt, hạt hạnh nhân không có vỏ còn ít ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
Huyền My (Theo WebMD, Eat This, Not That)