Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết ngủ không đủ giấc làm cạn kiệt sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện mối liên kết giữa giấc ngủ kém với một số vấn đề sức khỏe, trong đó có suy giảm hệ miễn dịch.
Trong khi ngủ, hệ thống miễn dịch tạo ra chất chống nhiễm trùng như kháng thể và cytokine, giúp chống lại tác nhân gây bệnh bên ngoài như vi khuẩn, virus. Thiếu ngủ làm cản trở hoạt động của hệ miễn dịch, có thể khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh hơn và khi đã nhiễm thì lâu khỏi hơn.
Đối với hệ hô hấp, thức suốt đêm dễ gây nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm. Ở những người có sẵn bệnh phổi mạn tính như hen suyễn, COPD, thiếu ngủ khiến triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Nhiều nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng của việc thức khuya đến các bệnh lý hô hấp. Theo nghiên cứu công bố trên ERJ Open Research, thanh thiếu niên thích thức khuya có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao gấp 3 lần, mắc viêm mũi dị ứng cao gấp 2 lần so với người ngủ sớm hơn. Các nhà nghiên cứu nhận định có mối liên hệ giữa thời gian ngủ với bệnh hen suyễn và dị ứng ở thanh thiếu niên. Mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn thức khuya gây ra bệnh hen suyễn, nhưng có bằng chứng cho thấy hormone giấc ngủ melatonin thường không hoạt động ở người ngủ muộn. Điều này ảnh hưởng đến phản ứng dị ứng ở thanh thiếu niên.
Một nghiên cứu khác của Anh phát hiện những người thường xuyên ngủ trên 11 tiếng hoặc ít hơn 4 tiếng một ngày có nguy cơ mắc bệnh xơ phổi cao gấp 2-3 lần so với những người ngủ đủ 7 tiếng một ngày.
Bác sĩ Thắm cho biết ngoài các yếu tố bên ngoài cản trở giấc ngủ như tiếng ồn, thiết bị điện tử, nhiều trường hợp khó ngủ, thiếu ngủ do các bệnh lý tiềm ẩn tại phổi. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, bệnh màng phổi, hội chứng giảm thông khí, ngưng thở khi ngủ... thường có những bất thường về hơi thở, thiếu oxy và tăng CO2, chất lượng giấc ngủ kém.
Để ngủ ngon, đủ giấc, bác sĩ Thắm khuyên người bệnh nên giữ không khí trong phòng ngủ trong lành, hạn chế dùng chất dễ gây kích thích đường thở như nến thơm, nước hoa xịt phòng, hoa tươi, thảm trải sàn; vệ sinh ga giường, đệm thường xuyên. Phòng ngủ có quạt trần hoặc điều hòa cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh để bụi bặm, vi khuẩn phát tán ra không khí.
Những người khó ngủ do bệnh lý, người bệnh cần điều trị nguyên nhân trước. Với bệnh hen suyễn, người bệnh cần tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ, tránh tác nhân gây bệnh, kê cao gối khi nằm để đường thở thông thoáng. Với bệnh COPD, người bệnh cần bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc cũng như chất độc hại khác, tuân thủ kế hoạch điều trị. Với hội chứng ngưng thở khi ngủ, người bệnh có thể cần đến phương pháp điều trị như thở máy áp lực dương liên tục (CPAP), đeo dụng cụ miệng...
Hoài Phạm