Thừa canxi trong máu (tăng canxi máu) xảy ra khi nồng độ canxi trong máu cao hơn mức bình thường. Bệnh có thể ở mức nhẹ, nặng, tạm thời hoặc mạn tính.
BS.CKI Lý Gia Cường, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết canxi nhiều trong máu có thể dẫn đến các biến chứng dưới đây.
Suy thận: Bệnh khiến một hoặc hai quả thận không hoạt động tốt, lâu dần gây suy thận. Suy thận có thể tạm thời hoặc mạn tính. Người bệnh có thể tử vong khi không được điều trị.
Sỏi thận: Tăng canxi máu làm các tinh thể canxi hình thành trong thận. Những tinh thể này có thể lắng đọng trong thận, gây sỏi thận, tổn thương thận. Triệu chứng gồm đau bụng, khó tiểu, tiểu buốt...
Trầm cảm: Tăng canxi máu có thể cản trở hoạt động của não khiến người bệnh lú lẫn và mệt mỏi, có thể trầm cảm.
Loãng xương: Theo thời gian, xương mỏng và yếu do giải phóng lượng lớn canxi vào máu. Người loãng xương có nguy cơ cao gãy xương.
Nhịp tim không đều: Tim đập khi các xung điện di chuyển làm tim co bóp. Canxi có vai trò điều chỉnh quá trình này. Khi lượng canxi tăng quá mức khiến nhịp tim không đều.
Bác sĩ Cường cho biết tăng canxi máu có thể là triệu chứng của một số bệnh như tuyến cận giáp hoạt động quá mức, xảy ra do giải phóng quá nhiều hormone. Triệu chứng tăng canxi máu cũng chiếm khoảng 2% trong số tất cả bệnh ung thư. Các trường hợp tăng canxi máu liên quan đến ung thư (tăng canxi máu ác tính) thường khởi phát nhanh và nghiêm trọng. Một số bệnh ung thư gây tăng canxi máu, bao gồm ung thư phổi, ung thư vú, đa u tủy, ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư hạch, ung thư tế bào cơ.
Một số bệnh như lao, suy thận, nhiễm độc giáp, bệnh Paget xương có thể làm tăng nồng độ vitamin D trong máu, kích thích đường tiêu hóa hấp thụ nhiều canxi hơn.
Theo bác sĩ Cường, người ít vận động, ngồi, nằm nhiều, sử dụng một số loại thuốc, mất nước dễ tăng canxi máu. Bệnh rối loạn di truyền cũng khiến các thụ thể canxi trong cơ thể bị lỗi gây tăng canxi trong máu.
Người bệnh ở mức độ nhẹ có thể không có triệu chứng rõ ràng. Khi nghiêm trọng hơn, nồng độ canxi trong máu tăng cao xuất hiện một số triệu chứng như khát nước và đi tiểu thường xuyên; khó chịu ở dạ dày dẫn đến buồn nôn, nôn, táo bón; đau xương, yếu cơ; lú lẫn, mệt mỏi; đánh trống ngực, nhịp tim rối loạn, ngất xỉu và các vấn đề khác ở tim.
Bác sĩ Cường cho biết hầu hết tình trạng canxi trong máu cao đều ngăn ngừa được. Phụ nữ trên 50 tuổi nên đến gặp bác sĩ khoa Nội tiết- Đái tháo đường để khám và kiểm tra mức canxi trong máu định kỳ. Người muốn bổ sung canxi và vitamin D nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng.
Quỳnh Dung
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |