Canxi là khoáng chất quan trọng, phần lớn được lưu trữ trong xương và một phần trong máu, giúp dây thần kinh hoạt động, cơ co lại để di chuyển, cầm máu, hỗ trợ ổn định nhịp tim.
BS.CKI Đặng Thị Oanh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tụt canxi máu (hạ canxi máu) là tình trạng lượng canxi trong máu ở dưới giới hạn bình thường. Nồng độ canxi trong máu thường dao động trong khoảng 8,8-10,4 mg/dL.
Người được chẩn đoán tụt canxi máu khi nồng độ huyết thanh toàn phần nhỏ hơn 8,8 mg/dL trong điều kiện protein huyết tương bình thường và nồng độ ion canxi nhỏ hơn 4,7 mg/dL.
Nồng độ canxi trong máu thấp cản trở các chức năng quan trọng của cơ thể. Canxi trong xương có vai trò giúp xương chắc khỏe, nếu thiếu có thể khiến xương yếu.
Một số nguyên nhân gây tụt canxi như suy tuyến cận giáp, suy thận, thiếu vitamin D, bệnh giả suy tuyến cận giáp, hạ magie máu, viêm tụy, một số bệnh di truyền hiếm gặp... Dưới đây là một số dấu hiệu tụt canxi.
Chuột rút: Một số người tụt canxi bất chợt bị đau, thắt chặt các cơ. Vùng chuột rút không thể cử động từ vài giây đến vài phút.
Da khô dễ bong tróc: Cơ thể xuất hiện các rối loạn tự miễn dịch mạn tính như viêm da cơ địa, bệnh vảy nến khi thiếu canxi.
Móng tay dễ gãy: Móng tay cần đủ lượng canxi để mọc khỏe và không bị giòn. Thiếu canxi trong cơ thể làm móng tay yếu và dễ gãy.
Tóc khô: Canxi giúp tóc chắc khỏe, mềm mượt. Nếu không đủ canxi trong máu, cơ thể phải lấy canxi từ tóc khiến tóc khô xơ dễ gãy rụng.
Chóng mặt: Khi canxi trong đường huyết giảm xuống, người bệnh dễ hoa mắt chóng mặt. Triệu chứng xảy ra vài chục giây rồi trở lại trạng thái bình thường. Ngoài chóng mặt, có thể xuất hiện dấu hiệu tê chân tay khi ngồi lâu một chỗ.
Các vấn đề về trí nhớ: Tụt canxi máu khiến người bệnh có thể quên việc đã làm trước đó hoặc dự định làm trong tạm thời. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề thần kinh như chán ăn, cáu gắt, lo lắng vô cớ, thậm chí trầm cảm.
Khó chịu hoặc bồn chồn: Người bệnh thường cảm thấy khó chịu, bồn chồn nếu nồng độ canxi trong máu hạ thấp khiến nồng độ hormone tăng.
Ảo giác: Một số trường hợp tụt canxi nặng có triệu chứng như ngủ lịm, tinh thần mơ màng, không tỉnh táo.
Ngứa ran ở môi, lưỡi, ngón tay, chân: Canxi đóng vai trò quan trọng trong nhiều bộ phận khác nhau của hệ thần kinh trung ương. Khi thiếu canxi trong máu, các dây thần kinh bị ảnh hưởng, dẫn đến các triệu chứng ngứa.
Đau cơ hoặc đau thắt cơ bắp: Xảy ra ở vùng đùi, cánh tay, nách, đau khi di chuyển hay đi bộ cho thấy dấu hiệu của thiếu canxi.
Co thắt thanh quản: Nguyên nhân là do tụt canxi cấp tính. Các cơ trơn có thể gây co thắt thanh quản dẫn đến suy hô hấp và loạn nhịp tim. Đây là tình trạng y tế cần cấp cứu kịp thời.
Động kinh: Người bệnh thiếu canxi máu ở mức độ nặng dễ cứng cơ, co giật toàn thân hoặc co giật cục bộ không kiểm soát ở các bộ phận như cơ mặt, cơ miệng, cơ cổ tay, cơ cẳng tay, cơ lưng, cơ chân...
Rối loạn nhịp tim: Canxi gửi tín hiệu đến tim, giúp tim co bóp đưa máu đi khắp cơ thể. Tụt canxi máu dẫn đến các triệu chứng thường gặp ở tim như loạn nhịp tim, tim đập quá nhanh...
Suy tim sung huyết: Thiếu canxi quá mức làm cơ tim co bóp và bơm máu kém hiệu quả, gây suy tim.
Trầm cảm: Rối loạn tâm trạng, trầm cảm có liên quan đến thiếu canxi.
Suy nhược thần kinh: Canxi đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hormone melatonin - hormone giúp kiểm soát chu kỳ giấc ngủ. Cơ thể sản xuất ra ít hormone melatonin nếu thiếu canxi dẫn đến mất ngủ hoặc ngủ li bì, làm suy nhược, mệt mỏi, sa sút trí lực.
Loãng xương: Cơ thể "rút" ngược nguồn canxi từ xương để cân bằng lại nồng độ canxi trong máu thiếu hụt, khiến xương giảm mật độ khoáng chất, lâu ngày hình thành bệnh loãng xương.
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Phụ nữ dễ nổi mụn, đau ngực, đau lưng, đau bụng, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, đau cơ, mất tập trung... trong chu kỳ kinh nguyệt nếu tụt canxi.
Dậy thì muộn: Tụt canxi khiến trẻ dậy thì muộn hơn bình thường do nồng độ canxi trong máu ảnh hưởng đến hormone tuyến giáp và hormone tăng trưởng GH (Growth hormone) tại tuyến yên.
Các vấn đề răng miệng: Canxi là khoáng chất giúp duy trì sức khỏe răng miệng. Khi canxi không đủ, các vấn đề về răng và nướu có thể xảy ra như răng dễ sâu, răng nhạy cảm, chảy máu nướu, viêm nướu...
Vấn đề về đại tràng: Canxi giúp điều tiết co bóp cơ đại tràng. Khi thiếu, các cơ trong đại tràng co bóp không ổn định, gây táo bón, đau bụng, khó tiêu hóa và khó hấp thu dinh dưỡng. Người thiếu canxi có khả năng cao mắc bệnh viêm đại tràng, ảnh hưởng tiêu hóa.
Người có các dấu hiệu của tụt canxi nên đến chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để khám và được điều trị sớm.
Phương Nga
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |