Ngày 9/8, ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chỉ số khối cơ thể BMI của người châu Á từ 23 trở lên là thừa cân, từ 25 trở lên là béo phì. BMI càng cao thì nguy cơ xương khớp bị hư hại càng lớn, bệnh càng tiến triển nhanh. Bác sĩ dẫn số liệu cho thấy từ đầu năm 2024 đến nay, mỗi tháng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận hơn 350 trường hợp phẫu thuật thay khớp, trong đó 70-80% là người thừa cân, béo phì ở nhiều mức độ. Tỷ lệ này tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Bác sĩ Duy giải thích trọng lượng dư thừa làm tăng áp lực lên xương, sụn, khớp, dây chằng... có thể dẫn đến tổn thương, nứt vỡ sụn khớp, xuất hiện gai xương, lệch đốt sống, căng cơ, tăng gánh nặng lên dây chằng. Hậu quả là dẫn đến hoặc làm nặng thêm các bệnh lý viêm khớp, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm... hiện có.
Hàm lượng chất béo trong cơ thể tăng cao cũng kích thích viêm phát triển, giảm mật độ xương, giảm tác dụng của thuốc điều trị, khiến tình trạng viêm không được cải thiện và nặng hơn, hoặc gây loãng xương. Trường hợp thừa cân, béo phì gây thoái hóa nặng, hạn chế vận động, người bệnh phải thay khớp nhân tạo.
Như bà Hường, 64 tuổi, cao 1,5 m, nặng 70 kg, béo phì độ hai hơn 10 năm, khớp gối sưng đau, khó đi lại. Bác sĩ chẩn đoán trọng lượng dư thừa khiến sụn khớp chịu áp lực lớn, nứt vỡ, quá trình thoái hóa khớp gối diễn ra nhanh và nặng. Bà được chỉ định thay khớp gối nhân tạo Ultra congruent mới hết đau, đi lại bình thường.
Trường hợp khác là anh Cường, 34 tuổi, nặng 101 kg, béo phì nặng, chân đau nhiều và khó đi lại. Bác sĩ chẩn đoán anh bị hoại tử chỏm xương đùi hai bên do chất béo trong máu cao làm tắc nghẽn các mạch máu nuôi xương. Anh được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo Ceramic on Ceramic, chống bào mòn, tuổi thọ dài, thích hợp cho người thừa cân béo phì.
Theo bác sĩ Duy, điều trị xương khớp cho người bệnh thừa cân, béo phì thường gặp nhiều khó khăn hơn. Ví dụ, lớp mỡ dưới da của người bệnh dày, nếu sử dụng các phương pháp giảm đau thông thường, rất khó để đặt ống giảm đau chắc chắn, nguy cơ lỏng lẻo và tuột kim cao. Các khớp cũng là nơi có nhiều thần kinh cảm giác, phẫu thuật thường đau nhiều hơn. Do đó, kế hoạch gây tê hoặc gây mê khi thay khớp cho người thừa cân béo phì cần tính toán kỹ. Người bệnh cần giảm đau sau mổ tốt để sớm tập phục hồi chức năng, đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tránh loét tì đè, huyết khối tĩnh mạch. Người bệnh cũng cần kiên trì kết hợp giảm cân, ăn uống khoa học giúp tăng hiệu quả điều trị.
Không chỉ làm tổn thương hệ cơ xương khớp mà thừa cân, béo phì còn có liên quan đến các bệnh lý khác như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, trầm cảm, ung thư, nhồi máu cơ tim... Vì vậy, duy trì cân nặng lành mạnh đóng vai quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Duy khuyến cáo để phòng tránh thừa cân, béo phì, mỗi người nên ăn uống đủ chất, tăng cường rau củ và trái cây, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường. Vận động thường xuyên và vừa sức, tránh ngồi một chỗ trong thời gian dài.
Phi Hồng