Trả lời:
Cột sống là trụ cột của cơ thể, có chức năng nâng đỡ và giữ cơ thể cân bằng. Cột sống của người béo phì phải gánh thêm nhiều áp lực, dễ bị thoái hóa sớm, tổn thương.
Tăng cân tạo áp lực rất lớn lên bộ xương - giá đỡ cơ thể. Cân nặng quá mức khiến lượng mỡ thừa ở vùng bụng tăng nhanh, kéo khung xương chậu về phía trước, làm cho cột sống cong quá sâu vào trong. Các cơ lưng bị siết chặt gây đau vùng thắt lưng, khả năng cao mắc các bệnh viêm khớp cột sống. Người béo phì cũng dễ bị cong lệch, gây ra các vấn đề như gù lưng, vẹo cột sống.
Các tư thế vận động dù là đứng, ngồi hay đi đều liên quan đến sử dụng cột sống. Mỗi tư thế, trọng lượng cơ thể tác động lên đĩa đệm với những áp lực khác nhau. Áp lực càng cao nguy cơ tổn hại cột sống càng lớn. Cụ thể, áp lực cột sống khi cúi người cao hơn khi đứng thẳng. Áp lực lên cột sống ở tư thế khom người xách vật nặng nhiều nhất. Càng nặng cân, cột sống càng chịu áp lực dễ dẫn đến cong lệch, đau nhức.
Không chỉ cột sống bị ảnh hưởng, người béo phì còn dễ mắc các bệnh xương khớp phổ biến như thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, loãng xương, thoái hóa đốt sống cổ, trượt đốt sống lưng... Trọng lượng cơ thể càng lớn, cột sống càng bị ảnh hưởng. Không những thế, thừa cân béo phì còn làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương. Người thừa cân, béo phì mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ gãy xương cao hơn bình thường.
Bạn nặng 77 kg song chưa nói rõ cao bao nhiêu, có khả năng bị thừa cân, béo phì. Bạn nên đến bác sĩ khám và điều trị béo phì nếu cần. Nếu thừa cân cần thì giảm số cân nặng thừa giúp bớt áp lực lên hệ cơ xương, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến cột sống cũng như ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do thừa cân, béo phì.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |