Đầu gối thường xuyên chuyển động và là một trong những bộ phận chịu trọng lượng nặng nhất của cơ thể. Vì vậy, khu vực này thường gặp các vấn đề như đau, căng cứng, không ổn định hoặc suy giảm chức năng. Những tình trạng này thường bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau, ví dụ do tập luyện thể thao quá sức, nâng vật nặng không đúng tư thế, viêm khớp hoặc thoái hóa khớp theo tuổi tác. Ngoài ra, một trong số những nguyên nhân chính có thể dẫn đến các vấn đề về đầu gối là do cân nặng.
Lực tác động đến khớp gối thường sẽ lớn gấp 3 đến 4 lần trọng lượng của cơ thể. Đầu gối của một người nặng 80 kg sẽ phải chịu lực từ 240-320 kg khi bước đi. Lực này sẽ gia tăng khi bạn vận động như lên xuống cầu thang, cúi xuống nhặt đồ vật. Khối lượng cơ thể tăng thêm 10 kg thì trọng lượng tác động lên đầu gối là 30-40 kg mỗi bước. Việc tăng cân có thể khiến đầu gối bị đau, thoái hóa khớp.
Ngược lại cứ mỗi kg cơ thể giảm được thì lực tác động lên đầu gối sẽ giảm được 3-4 kg. Khi lực tác động lên khớp gối nhẹ hơn, các cơn đau và tình trạng viêm cũng giảm dần, cho phép đầu gối hoạt động hiệu quả hơn.
Thừa cân có thể gây viêm đầu gối. Ngoài ra, béo phì khiến gia tăng đáng kể tình trạng viêm trên khắp cơ thể, đây là yếu tố chính khởi phát chứng viêm khớp. Giảm cân sẽ làm gián đoạn quá trình viêm. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, những người giảm được khoảng một kg mỗi tháng trong từ 3 tháng đến 2 năm, cơ thể ít bị viêm hơn so với trước đây, từ đó ít đau xương khớp hơn. Ngoài ra, các tế bào mỡ có thể ảnh hưởng đến nồng độ hoá chất trong máu, và gây ra viêm khớp gối, đẩy nhanh quá trình thoái hoá khớp.
Giảm cân để giảm thoái hóa khớp gối
Kiểm soát trọng lượng cơ thể thông qua tập luyện thể thao và có chế độ ăn uống phù hợp là cách hiệu quả để giảm thiểu các rủi ro đến khớp gối. Nhiều nghiên cứu cho thấy, giảm trọng lượng cơ thể giúp giảm áp lực lên đầu gối, từ đó hạn chế các biến chứng khác trong đó có thoái hoá khớp gối.
Tập luyện thể thao
Các chuyên gia khuyên nên bắt đầu tập luyện một số bài tập nhẹ nhàng, không gây căng thẳng cho đầu gối như đi bộ nhanh và bơi lội. Những bài tập này giúp đốt mỡ, đồng thời cải thiện sức bền.
Khi cân nặng bắt đầu giảm, bạn có thể tham gia các hình thức tập luyện khác như chạy bộ, khiêu vũ thể thao, đạp xe, thử các bài tập tạ để cải thiện sức mạnh của các cơ xung quanh đầu gối và đùi. Gia tăng sức mạnh quanh khu vực này sẽ giúp duỗi thẳng đầu gối, đồng thời phân tán tải trọng và giảm các tác động lên khớp gối. Thêm vào đó, các bài tập tạ, tập trung vào các vùng khác nhau của cơ thể sẽ giúp phân huỷ mỡ và duy trì hệ cơ xương khớp chắc khoẻ, ít bị thoái hoá.
Các bài tập giãn cơ cũng được khuyến khích để cải thiện tính linh hoạt, tăng phạm vi chuyển động và duy trì sức mạnh cơ bắp.
Quản lý chế độ ăn uống
Theo các chuyên gia, bạn không nên nhịn ăn cực đoan để giảm cân mà nên quản lý loại thực phẩm nạp vào cơ thể. Nguồn protein tốt nên lấy từ ức gà, cá, thịt nạc và trứng. Lưu ý tiêu thụ các loại carbonhydrate chưa qua tinh chế như gạo lứt, bánh mỳ nguyên cám.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, không nên đặt các mục tiêu giảm cân không thực tế. Mục tiêu ban đầu cần đạt được là giảm 5% trọng lượng cơ thể. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, với việc giảm 5% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện đáng kể sức khoẻ đầu gối và giảm cảm giác đau khớp.
Thùy Minh (Theo samitivejhospitals)