Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Du lịch 'chăm chặt chém, lười sáng tạo'". Nói chính xác hơn, du lịch Việt đang phát triển theo kiểu câu chuyện "gà đẻ trứng vàng". Nơi nào có cảnh đẹp được mọi người đến là người ta lao đến giành chỗ, quây đất xây nhà hàng, khách sạn, bất chấp việc phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của chính vùng đất sẽ đem lại tiền cho họ.
Tình trạng thường thấy đó là khi khách đến địa điểm du lịch vào thời điểm nguyên sơ thì muốn quay lại, nhưng khi quay lại thì ngán ngẩm vì chẳng còn lại gì. Các khu này phần lớn chỉ thu hút được những du khách chưa từng đến lần nào, họ đi một lần cho biết hoặc chỉ đến để kiếm chỗ ăn uống, ngủ nghỉ, chứ ít quan tâm đến cảnh quan. Đây cũng là lý do mà các khu du lịch Việt khó có cơ hội khiến khách nước ngoài bỏ tiền quay lại lần hai.
Ngày xưa tôi đi các khu du lịch hoang sơ rất hay gặp khách Tây, nhưng giờ khi các khu đó phát triển hơn thì tôi lại ít gặp. Các bạn người nước ngoài tôi quen giờ cũng thường nhờ tôi chỉ các nơi chưa bị khai thác du lịch nhiều, để đi chơi cuối tuần và dịp lễ. Chứ họ nhất định né các khu vực nổi tiếng đã bị thương mại hóa nhiều như Sa Pa hay Đà Lạt.
Đúng là về cảnh quan thiên nhiên, Thái Lan chẳng hơn gì Việt Nam. Nhưng về dịch vụ du lịch thì họ làm tốt gấp 10 lần ta. Người nước ngoài họ còn đi Thái Lan tới tám lần mà chỉ đến Việt Nam có một lần, thì chuyện người Việt muốn sang Thái hơn là du lịch trong nước cũng là điều dễ hiểu. Mà nghịch lý là ở chỗ, mang tiếng đi ra nước ngoài như tính ra chi phí có khi còn rẻ hơn cả du lịch nhiều điểm trong nước vì nạn "chặt chém" ở ta.
>> Khi khách Tây đến Thái Lan 8 lần, TP HCM một lần
Thực ra vấn đề lớn nhất với du lịch Việt là quy hoạch phá vỡ chính thứ sẽ thu hút khách du lịch đến với vùng đất này. Một vùng đất để có thể thu hút du khách thì ngoài "đẹp" ra, còn cần "lạ" (sự khác biệt so với các vùng đất khác). Tại sao tôi lại phải đến một vùng đất mà cứ na ná các nơi tôi từng đến trước kia? Đây là câu hỏi cần được các nhà phát triển du lịch trong nước trả lời.
Ở Việt Nam, thực chất có rất nhiều thứ lạ, từ cảnh đẹp tự nhiên đến văn hóa. Ngay cả giao thông Việt cũng là một trải nghiệm mà rất nhiều khách du lịch nước ngoài muốn biết. Tuy vậy, các điểm du lịch sau một thời gian phát triển, hầu như đều có xu hướng lặp lại, rập khuôn, nếu không muốn nói là bắt chước giống nhau như đúc.
Giờ thử hỏi nét đặc trưng của Sa Pa hay Đà Lạt là gì? Điều gì làm nên sự khác biệt của Sa Pa, Đà Lạt so với các địa điểm khác? Nếu cách đây trên 15 năm, tôi tin ai cũng có thể trả lời ngay, nhưng giờ lại là một câu chuyện khác. Một điểm đến để du lịch nhưng không có điểm nhấn thì sẽ mãi chỉ là một vùng đất nhạt nhòa mà thôi. Đến tôi là người Việt mà giờ còn chẳng muốn đến, huống hồ là khách nước ngoài. Tôi vẫn hay đùa với vợ tôi là giờ mà đi du lịch trong nước thì phải tranh thủ đến các vùng đất hoang sơ, chứ không vài năm nữa là mất chất hết.
Nói tóm lại, nếu người Việt không chịu thay đổi cách làm du lịch sớm thì chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ không còn cái gì để khai thác du lịch. Ai sẽ chịu bỏ tiền đi du lịch đến một nơi mà chẳng khác gì khu mình đang sống? Lên Sa Pa, Đà Lạt làm gì khi nhìn đâu cũng như nội thành Hà Nội, Sài Gòn, trong khi đường sá, dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ thậm chí còn không bằng?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.