Ngày 11/6, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết loại ung thư này có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam do nhiều yếu tố dưới đây.
Thừa cân hoặc béo phì: Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em 5-19 tuổi là 8,5% năm 2010 đã tăng lên 19% năm 2020. Sau 10 năm, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng hơn hai lần.
Theo bác sĩ Khanh, thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong vì ung thư. Tình trạng này xảy ra ở cả hai giới song nguy cơ ở nam giới cao hơn nữ giới. Béo phì có thể dẫn đến các thay đổi nội tiết tố như tăng mức insulin, thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư và ức chế quá trình apoptosis (quá trình tự chết của tế bào). Nồng độ insulin và IGF-1 trong huyết thanh tăng lên có liên quan đến nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn. Tăng cân cũng kích thích phản ứng viêm của cơ thể - yếu tố thúc đẩy ung thư đại trực tràng phát triển.
Thiếu cân bằng dinh dưỡng: Chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Huyền, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người Việt có thói quen ăn uống mất cân đối dinh dưỡng như nhiều thịt và mỡ động vật, ít trái cây, rau xanh.
Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, trung bình một người Việt ăn 134 g thịt mỗi ngày, trong đó có 95,5 g thịt đỏ, trong khi nhu cầu khuyến nghị là 70 g. "Người Việt ăn thịt nhiều gấp đôi khuyến cáo", chuyên viên Huyền nói, thêm rằng ăn uống quá nhiều chất béo với mức cholesterol cao làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Trong khi đó, chất xơ từ rau củ, trái cây có khả năng rút ngắn thời gian thức ăn qua đường ruột, thúc đẩy bài tiết những chất độc hại, giảm nguy cơ ung thư.
Ít hoạt động thể chất: Ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực, Việt Nam trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới, theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA).
Bác sĩ Khanh giải thích lười vận động dễ gây đầy hơi, táo bón, khó tiêu. Quá trình tiêu hóa chậm lại, chất thải tích tụ trong ruột già lâu hơn, khiến cơ thể có cơ hội tiếp xúc với các chất gây ung thư nhiều, làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày. Người lớn nên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập nhịp điệu nhẹ nhàng, tối đa 5 ngày trong tuần.
Uống nhiều rượu bia: Theo WHO, trung bình một người Việt từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất mỗi năm, tương đương 21 lít rượu hoặc 170 lít bia.
"Thường xuyên uống rượu, bia vừa phải đến nặng làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng gấp 1,2-1,5 lần so với người không uống", bác sĩ Khanh nói. Uống rượu bia gây ung thư theo nhiều cơ chế. Uống rượu dẫn đến tăng chất oxy hóa trong tế bào. Các sản phẩm chuyển hóa từ ethanol trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra ung thư. Khi vào cơ thể, ethanol có trong bia rượu được chuyển hóa thành acetaldehyde, làm tổn thương tế bào, hỏng chuỗi DNA.
Hút thuốc lá: Bác sĩ Khanh cho biết khói thuốc lá là nguyên nhân gây ra khoảng 30% tổng số các loại ung thư ở người, trong đó có ung thư đại trực tràng. Theo WHO năm 2023, tỷ lệ hút thuốc của nam giới Việt là 42,3% và tỷ lệ này ở nữ giới là 1,7%. Khói thuốc gây ung thư đại trực tràng bằng cách làm hỏng các tế bào lót ruột già và trực tràng. Nguy cơ mắc bệnh giảm một nửa ở người bỏ thuốc lá, ngay cả người đã hút thuốc trong nhiều năm.
Ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn: Thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu, gan...), đồ ăn chế biến sẵn (xúc xích, thịt đóng hộp) chứa nhiều chất bảo quản, muối. Khi chế biến ở nhiệt độ quá cao (chiên, nướng...), chúng tạo ra các chất có hại, có khả năng gây ung thư. Người có chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn nguy cơ cao phát triển ung thư đại trực tràng.
Ngoài những nguyên nhân về thói quen sinh hoạt, các yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng còn liên quan đến tuổi tác, tiền sử bệnh lý (polyp tuyến, polyp răng cưa...), tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư đại trực tràng, hội chứng di truyền.
Theo bác sĩ Khanh, ung thư đại trực tràng thường ít biểu hiện triệu chứng sớm. Một vài dấu hiệu có thể nhận biết như đi ngoài ra máu tươi hoặc máu bầm, có máu trong phân hoặc đi ngoài phân đen, bất thường đi ngoài, đau tức vùng bụng, chậu hông, mệt mỏi, suy nhược, sụt cân không rõ nguyên nhân, song dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Người bệnh khi có một trong các dấu hiệu trên, nên đi khám sớm để bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán đúng bệnh.
Sinh hoạt khoa học giúp tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ ung thư. Bữa ăn nên đủ các nhóm chất như bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Ưu tiên chế biến luộc, hấp hơn là chiên, rán. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, có thể thay thế thịt đỏ bằng cá và động vật có vỏ (như mực, tôm, cua). Bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
Duy trì cân nặng hợp lý, tập luyện thường xuyên để hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể. Khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm, giảm tỷ lệ tử vong, nhất là người có yếu tố nguy cơ cao.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |