Mất trí nhớ tạm thời (mất trí nhớ ngắn hạn) là hiện tượng suy giảm trí nhớ đột ngột, khiến não bộ mất một khoảng ký ức nhất định, trong khi các dữ liệu khác trước đó vẫn tồn tại.
Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mất trí nhớ tạm thời có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson.
Người bị mất trí nhớ tạm thời thường có một số biểu hiện như bất ngờ quên các sự kiện và thông tin gần đây, hay lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, thường xem tivi và điện thoại hàng giờ, hỏi lặp lại những vấn đề giống nhau.
Theo bác sĩ Tiến, một số yếu tố dưới đây góp phần gây ra chứng mất trí nhớ tạm thời.
Căng thẳng, trầm cảm kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, khó tập trung, khả năng ghi nhớ kém. Các tình trạng này làm tăng hoạt động của các gốc tự do trong cơ thể, tổn thương tế bào thần kinh, từ đó suy giảm chức năng thần kinh.
Thiếu ngủ, mất ngủ thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của não bộ, tăng tình trạng viêm. Thiếu máu não cũng dẫn đến mất trí nhớ tạm thời.
Chế độ ăn uống thiếu chất như omega-3, omega-6, sắt, phosphatidylserine, DHA làm hạn chế tuần hoàn máu não, gây tổn hại cho não bộ.
Uống nhiều rượu và hút thuốc lá làm tăng sản xuất các cytokine gây viêm, dẫn đến những thay đổi hóa học trong não. Quá trình truyền tải và ghi nhớ tín hiệu giảm. Hút thuốc còn tăng nguy cơ vôi hóa hồi hải mã, là vùng não có vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ.
Lạm dụng thiết bị điện tử thay cho trí nhớ khiến não bộ trở nên "lười nhác". Lâu dần, não ghi nhớ kém, dễ quên các sự việc kể cả thân thuộc.
Bác sĩ Tiến cho biết từ khi con người sinh ra đến lúc mất đi, số lượng tế bào thần kinh trung ương không được sinh ra thêm, nhưng lại chết dần theo thời gian.
Sau tuổi 25, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh não bộ chết đi, đồng thời chức năng não suy yếu do liên kết giữa các tế bào thần kinh với nhau giảm.
Mất trí nhớ ngắn hạn không ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe thể chất nhưng cần can thiệp sớm, phòng bệnh mất trí nhớ. Mỗi người cần giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực, thường xuyên luyện trí não, khả năng ghi nhớ bằng cách đọc sách, học ngoại ngữ, chơi cờ, chơi ô chữ.
Giải tỏa và giảm stress bằng các hoạt động như tập thể thao, gặp gỡ bạn bè, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi ngày.
Chế độ ăn uống đủ chất và cân bằng, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, tăng cường bổ sung dưỡng chất giàu omega-3, DHA, sắt. Bác sĩ Tiến cho biết chủ động bổ sung các hoạt chất sinh học từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) có tác dụng chống gốc tự do, tăng cường máu lên não, tăng kết nối thần kinh. Từ đó, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị suy giảm trí nhớ, nuôi dưỡng tế bào não, duy trì trí nhớ minh mẫn.
Oanh Ngô
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |