Thứ tư, 18/12/2024
Thứ hai, 10/4/2017, 11:00 (GMT+7)

Vịt bầu Lâm Thượng chắc thịt nhờ ăn ốc và rêu đá tự nhiên

Được nuôi thả trên đồng, trên suối và ăn rêu đá, ốc vặn, tép đồng kiếm được, vịt bầu Lâm Thượng cho thớ thịt chắc, căng mọng, lại ngọt thơm.

Vốn là giống vật nuôi thuần chủng tại địa bàn sinh sống của người Tày ở Yên Bái, vịt bầu được phát triển chủ yếu ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên. Nơi đây có nguồn nước phong phú, hệ thống mương, suối nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 30 hộ chăn thả vịt bầu.

Khác với các giống vịt lai nhập về địa phương, vịt bầu được bà con đồng bào người Tày ở Lâm Thượng nhân giống từ giống vịt bản địa, cổ ngắn, chân thấp. Cụ thể, người dân tiến hành ấp nở trứng vịt từ lứa này tới lứa khác để duy trì nguồn giống.

Sau khi nở, vịt con được nuôi nhốt khoảng 15 ngày với thức ăn hỗn hợp để khỏe mạnh, cứng cáp, có sức đề kháng tốt. Khi vịt bắt đầu ra lông ống, người nuôi thả ra đồng, suối để chúng tự tìm kiếm thức ăn. Giai đoạn này, vịt chủ yếu ăn ốc đá, rêu đá, tép, cá con.

vit-bau-lam-thuong-chac-thit-nho-an-oc-va-reu-da-tu-nhien

Vịt con mới nở được chăm sóc chu đáo trước khi thả ra môi trường tự nhiên. Ảnh: Bizmedia.

Ở Lâm Thượng, đồng bào người Tày canh tác lúa nước nên nguồn thức ăn như ốc vặn, tép, cá con và các loài thủy sinh trên đồng rất phong phú. Suối Luông và suối Nọi ở đây có rêu đá, ốc đá phát triển, là nguồn thức ăn dồi dào cho vịt. Ngoài thức ăn tự nhiên, người nuôi còn bổ sung thêm thóc, ngô để vịt nhanh lớn.

Sau khoảng 3,5 đến 4 tháng, vịt bầu có thể đạt trọng lượng 2 - 2,5 kg. Lúc này, ức vịt căng, lông mượt và cho chất thịt ngon nhất, vừa đủ độ, không quá non cũng không quá già.

vit-bau-lam-thuong-chac-thit-nho-an-oc-va-reu-da-tu-nhien-1

Vịt bầu Lâm Thượng được chăn thả tự nhiên. Ảnh: Bizmedia.

Khác với các loại vịt thường có da dày, màu trắng nhạt, vịt bầu Lâm Thượng lại sở hữu da hơi vàng và mỏng. Khi luộc, phần da này mọng căng với lớp mỡ vàng ươm. Ngoài ra, nước luộc cũng không có mùi hoi, lại ngọt và đậm đà.

Vịt bầu được đồng bào Lâm Thượng chế biến thành nhiều món ngon. Ngoài vịt luộc chấm mẻ nấu rau răm, vịt quay, vịt hấp cách thủy, vịt om sấu, vịt xáo măng, dồi cổ vịt, ruột vịt nộm chuối, lòng vịt xào rau đắng…, người dân nơi đây còn có mọc vịt.

Để làm món ăn này, bà con sử dụng thịt vịt băm nhỏ trộn cùng bột thính và gia vị, gói vào lá dong, sau đó, đặt vào chõ gỗ đun cách thủy. Mọc vịt chín được chấm với nước mắm ngon pha thêm đường, nước cốt chanh, rau răm giã nhuyễn và chút hạt dổi nướng cho dậy mùi vị. Với nước luộc vịt, bà con có thể chế biến thành nhiều món canh khác nhau, đổi vị cho bữa cơm. Tuy nhiên, dù chế biến theo cách nào, vịt bầu Lâm Thượng cũng mang hương vị riêng, ngọt thịt, đậm đà đặc trưng.

Xem thêm mô hình nuôi vịt bầu Lâm Thượng trong clip sau:

Vịt bầu Lâm Thượng chắc thịt nhờ ăn ốc và rêu đá tự nhiên
 
 

 Vũ Đậu

Chia sẻ bài viết qua email