Thứ bảy, 18/1/2025
Thứ năm, 17/10/2019, 17:00 (GMT+7)

Bánh dày, thức quà quê của Hà Nội

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15km, Quán Gánh, Thường Tín, Hà Nội có nghề làm bánh dày lâu năm.

Vừa giao bánh cho khách xong, chị Trần Thị Hợp ở số 77 Quán Gánh tất bật nạo dừa, chuẩn bị nguyên liệu cho mẻ hàng ngày mai. Xung quanh nhà chị, hầu hết ai cũng làm bánh dày, lấy đó làm nghề kiếm sống. 

Chị Hợp cho biết, gia đình chị có truyền thống nghề làm bánh dày từ ông bà, bố mẹ đến vợ chồng chị. Suốt bao năm qua, gia đình chị phải dậy sớm từ 3 giờ để làm bánh mới có đủ nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng.

Tiêu đề Đặc sản Hà Nội – Bánh dầy Quán Gánh  - 1

Bánh dày được gói bằng lá dong, bề ngoài có hình dánh giống bánh chưng.

Thông thường, bánh dày được gói thành hình vuông giống bánh chưng nhưng bên trong có 6 cái nhỏ, mỗi gói như thế được bán với giá từ 20.000-25.000 đồng. Hiện nay, người dân Quán Gánh thường sản xuất 3 loại là bánh dày chay, bánh dày ngọt và bánh dày mặn.

Theo chị Hợp, để bánh dày ngon, người thợ phải biết cách lựa nguyên liệu. Bánh dày được sản xuất từ những nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, dừa, đường, hạt tiêu, mỡ thái hạt lựu... 

 "Chiếc bánh dày có ngon hay không phụ thuộc vào khâu chọn nguyên liệu đặc biệt là vỏ bánh và đậu xanh. Gạo làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng, dẻo thơm, chắc mẩy. Đậu xanh xay vỏ, ngâm và rửa sạch khi làm bánh sẽ không bị chua", chị Hợp cho biết.

Tiêu đề Đặc sản Hà Nội – Bánh dầy Quán Gánh  - 2

Bánh dày được khách đặt hàng phục vụ đám cưới, đám hỏi.

Gạo nếp rửa sạch ngâm từ tối sau đó rửa sạch và đồ chín thành xôi. Khi xôi chín, người thợ cho vào máy và giã nhuyễn thành vỏ bánh. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, khi thổi chín cho các gia vị khác vào và trộn đều. 

Với bánh ngọt, người thợ trộn đường, dừa vào chung với đậu. Bánh mặn nhân gồm có đậu xanh trộn với ít thịt thái hạt lựu, hạt tiêu, mì chính và muối. Bánh chay làm đơn giản hơn không cần có nhân, thường được người mua ăn kẹp với giò.

Để bánh được đều và đẹp, người làm bánh cần phải biết đồ xôi vừa chín và cho nhân đúng kích cỡ. Khi đồ xôi, phải cho lửa cháy đều, nếu không xôi sẽ không chín, làm chậm công đoạn của người thợ. Khi xôi gần chín, cần vẩy thêm ít nước để xôi chín đều rồi cho ra cối hoặc buồm cói và giã nhuyễn. Việc tưới nước khi xôi chín người thợ cũng cần phải lưu ý, nếu quá nước vỏ bánh sẽ bị nát, ít nước sẽ bị rắn khô và rất khó nặn.

Những năm gần dây, nhiều hộ dân đã sắm máy để giã bánh. Việc giã bằng máy tiết kiệm thời gian cho người thợ, bánh được đều và nhuyễn hơn, hương vị vẫn giữ nguyên so với khi dã bằng tay.

Tiêu đề Đặc sản Hà Nội – Bánh dầy Quán Gánh  - 3

Bánh dày có màu trắng, khi ăn có vị dẻo và bùi.

Chị Hợp chia sẻ, mỗi ngày gia đình chị làm từ 50-60 gói, cuối tuần phải làm 70-80 gói mới đủ hàng bán cho khách. Mỗi người một việc, người giã bánh, người đổ nhân, người gói bánh để có hàng cho buổi chợ sáng hôm sau. Bánh được gói bằng lá dong rửa sạch để chất lượng bánh được giữ nguyên cả ngày.

"Bánh dày Quán Gánh có vị dẻo thơm của xôi nếp, độ thơm ngậy của đậu xanh, thịt lợn, hạt tiêu hòa quyện với nhau. Cũng nhờ làm bánh dày, nhiều hộ dân ở Quán Gánh tạo ra nguồn thu nhập, lo cho con cái học hành, ổn định cuộc sống", chị Hợp chia sẻ.

Bánh của người dân Quán Gánh được bán cho khách qua đường, phục vụ đám cưới, đám hỏi từ khắp nội thành Hà Nội, Sơn Tây, Đông Anh và bán ra các tỉnh thành lân cận như Hải Dương, Thanh Hóa...

Trà Linh

Chia sẻ bài viết qua email