Nông dân Lạng Sơn trồng na giảm nghèo
Chị Lăng Thị Phú ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn có thu nhập hàng chục, trăm triệu từ trồng na.
Gia đình chị Lăng Thị Phú trồng gần 1.000 gốc na gần trên 2ha đất nông nghiệp. Sáng nào chị Phú cũng thức dậy sớm, lên núi hái na để kịp cho thương lái thu gom, xuất bán ở các chợ đầu mối nông sản.
Chị Lăng Thị Phú chia sẻ, sau gần 20 năm trồng na rải vụ, gia đình chị Phú đã biến vùng đất khô cằn thành vườn na tươi tốt, sai trĩu quả. Chị Phú cho rằng mình làm giàu nhờ trồng na rải vụ. Khác với cách trồng truyền thống, mùa thu hoạch na rải vụ kéo dài 4 tháng, từ tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch, có thể tránh được tình trạng thu hoạch na ồ ạt cùng một thời điểm dẫn đến mất giá mất giá.
Na ra trái rải vụ ở Chi Lăng, Lạng Sơn. |
Theo kinh nghiệm của chị Phú, để cây na sai quả, quả to, ngọt thì hàng năm cần bón phân chuồng hoai mục và định kỳ bổ sung phân vi sinh cho mỗi gốc cây. Người trồng có thể cuốc rãnh hoặc đào hố từ 10-20 cm quanh tán để bón phân cho cây. Nếu đảm bảo kỹ thuật, quả na có thể to từ 2-5 lạng, ngọt và có hương thơm đặc trưng.
Nhờ tuân thủ các quy định sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap, nên vườn na của gia đình chị Phú đã trở thành một vườn mẫu của địa phương, là nơi để bè bạn, du khách khắp nơi đến thăm quan, học hỏi. Năm nào quả na từ vườn mẫu nhà chị cũng đạt chất lượng nên thu nhập của gia đình đạt khoảng 300 triệu đồng một vụ. Chị đã xây được nhà mới, sắm sửa nhiều đồ dùng tiện nghi phục vụ cho cuộc sống.
Những cây na trên đồi núi dốc của gia đình chị Lăng Thị Phú ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. |
Việc trồng na đã khó, thu hoạch còn khó hơn. Chị Phú cho biết, cắt na nên cầm bằng hai đầu ngón tay, rồi dùng kéo cắt cành, nên giữ lại khoảng 1-2 lá để có lớp phấn trên bề mặt quả, giữ na tươi lâu.
Theo lời chị Phú kể, không biết từ khi nào, cây na đã có mặt tại vùng núi đá vôi này. Trước đây, vùng đất này hoang vu, cỏ dại mọc um tùm, người dân trong vùng khai hoang được miếng đất nào đều trồng hết cây khoai, cây sắn, chứ chưa ai trồng na. Hơn nữa, khi đó bà con trồng hoa quả cũng chưa có thị trường. Như gia đình chị Phú làm lụng sớm tối mà cũng chỉ lo được cái ăn cho cả nhà.
kHI trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, na có thể có trọng lượng từ 2 - 5 lạng/quả và có hương vị thơm ngon. |
Khoảng năm 2000, một số bà con trong vùng bắt đầu bỏ khoai, sắn sang trồng na, và gia đình chị Phú cũng bắt chước làm theo. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm kỹ thuật, cây na nào cũng cao tới 3m, cây phát triển tự nhiên, ít được chăm sóc nên quả na nhỏ.
Cây na chỉ thực sự được người dân quan tâm khi các thương lái và cả chính quyền địa phương phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc na. Từ đó, người dân đã học hỏi được những kỹ thuật mới như đốn tỉa cành, thụ phấn bổ sung, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, để giúp cây na đạt năng suất, chất lượng quả tốt nhất.
Đến nay, na trở thành nguồn thu lớn của người dân Lạng Sơn. Cũng giống như chị Phú, nhờ cây na, có nhiều hộ gia đình ở Chi Lăng làm giàu từ cây na. Chị Phú chia sẻ, có hơn nửa số hộ trồng na đã trở nên khá giả, thu nhập ít nhất vài chục triệu đồng, thậm chí nhiều hộ đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Văn Dương