Trồng nhãn tiêu chuẩn VietGAP không lo bệnh chổi rồng
Trong khi bệnh chổi rồng tàn phá nhiều vườn nhãn quế ở đồng bằng sông Cửu Long thì vườn nhãn của ông Đặng Hữu Bạc - tổ tưởng tổ hợp tác nhãn quế Phú Thuận, Bến Tre vẫn phát triển tốt nhờ quy trình trồng VietGAP.
- Tổ hợp tác nhãn quế Phú Thuận được thành lập như thế nào?
- Tổ hợp tác ra đời năm 2015 với 30 thành viên. Nhận thấy cây nhãn quế cho giá trị kinh tế cao, có đặc tính sinh trưởng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây, nên tổ hợp tác đã lựa chọn giống nhãn này để phát triển. Có thời điểm, số thành viên trong tổ tăng lên 56 người, nhưng sau biến cố năm 2015, nhãn quế rớt giá nên chỉ còn lại 34 thành viên. Tổng diện tích canh tác của tổ hợp tác hiện nay là 24 ha.
- Tại sao tổ hợp tác lại chọn mô hình phát triển nhãn quế theo tiêu chuẩn VietGAP?
- Trồng nhãn quế theo VietGAP chúng tôi được 3 cái lợi. Thứ nhất là cách thức chăm sóc theo đúng khoa học kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu vào. Thứ hai là hạn chế được dịch bệnh trên nhãn, tăng năng suất trái. Thứ ba là trồng nhãn theo VietGAP đảm bảo được chất lượng sản phẩm sạch, giúp giá trị của nhãn bán ra thị trường tăng lên.
- Tham gia trồng nhãn theo mô hình này, các thành viên được cơ quan chức năng hỗ trợ như thế nào?
- Chính quyền nhà nước và địa phương hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, từ chi cục bảo vệ thực vật tỉnh đến phòng nông nghiệp huyện, trạm bảo vệ thực vật huyện. Các cán bộ đều tới tận nơi, hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình về kỹ thuật chăm sóc cây. Ngoài ra, năm 2015, thành viên của tổ hợp tác tham gia trồng nhãn VietGAP còn được chính quyền tỉnh hỗ trợ 30% chi phí vật tư sản xuất và dụng cụ phun thuốc...
|
Trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây phát triển tốt, cho năng suất trái cao và chất lượng ổn định. Ảnh: Bizmedia. |
- Đầu ra của sản phẩm nhãn quế VietGAP có gì khác biệt?
- Hiện tại, chúng tôi vẫn chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm. Gần đây, có một số doanh nghiệp ngỏ ý muốn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm nhãn quế VietGAP của tổ hợp tác nên chuyện đầu ra cũng không còn là vấn đề cần bận tâm như trước.
- Gần đây, nạn chổi rồng đã tàn phá vườn nhãn quế tại nhiều địa phương, tổ hợp tác Phú Thuận làm gì để phòng tránh bệnh và phát triển vườn cây an toàn?
- Trước kia, vườn nhãn của hợp tác cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chổi rồng, nhưng từ khi tham gia VietGAP, được hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia nên chúng tôi không còn lo lắng về loại bệnh này. Cụ thể, sản lượng nhãn luôn ổn định, đạt khoảng 10 tấn một ha, có khi lên đến 13 tấn một ha. Năm 2015 là thời điểm nhãn quế rớt giá thấp nhất, còn lại, từ năm 2010 đến nay, lúc nào giá nhãn tại vườn cũng trên 10.000 đồng một kg, có thời điểm là 25.000 đồng một kg. Từ đầu năm tới nay, giá nhãn tại vườn là 20.000 đồng một kg.
Trong tương lai, định hướng phát triển của tổ hợp tác là thành lập hợp tác xã. Chúng tôi sẽ cố gắng tập hợp các hộ trồng nhãn trong xã để tạo thành vùng nhãn quế sạch mang thương hiệu Phú Thuận, có mã số, mã vạch, tem mác đầy đủ. Hợp tác xã sẽ đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các thành viên để giúp họ yên tâm sản xuất, đồng thời, tăng giá trị của nhãn quế Phú Thuận, Bến Tre.
Tham khảo mô hình trồng nhãn quế tại hợp tác xã Phú Thuận, Bến Tre:
Hà Vũ