Nước mắm truyền thống Vạn Phần xuất khẩu ra nước ngoài
Ông Võ Văn Đại đã góp phần đưa sản phẩm nước mắm Vạn Phần tới đông đảo người tiêu dùng trong nước và các thị trường Malaysia, Lào, Angola...
- Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề làm nước mắm truyền thống?
- Từng học 4 năm về kỹ thuật chế biến thủy sản, năm 1987, tôi về công tác tại Công ty thủy sản Vạn Phần Diễn Châu ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Sau thời kỳ bao cấp, các doanh nghiệp trong ngành có sự cạnh tranh lớn, sản phẩm của công ty cũng chưa có chỗ đứng ổn định. Trong khi đó, nước mắm công nghiệp được pha chế từ các loại chất phụ gia lại được bày bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Vừa muốn cải tiến nghề, nâng cao chất lượng và thương hiệu nước mắm Vạn Phần của địa phương, vừa muốn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn nên tôi vẫn bám trụ với công ty, học hỏi thêm để nâng tầm kỹ thuật chế biến, đồng thời tích cực làm thị trường...
|
Ông Võ Văn Đại (đứng giữa) - người góp phần khẳng định và nâng tầm thương hiệu nước mắm Vạn Phần. |
- Để làm ra sản phẩm nước mắm thơm ngon, chất lượng, quy trình sản xuất phải đảm bảo các tiêu chuẩn nào?
- Để chế biến nước mắm truyền thống Vạn Phần, cá biển sử dụng phải tươi, sạch và muối phải là loại đã được bảo quản lâu năm. Thời gian chế biến để cho ra nước mắm thành phẩm là 9-12 tháng, đối với nước mắm hạ thổ phải mất 3 năm. Công ty của chúng tôi còn áp dụng hệ thống an toàn thực phẩm quốc tế tiêu chuẩn ISO 22.000:2005 và HACCP trong khâu đóng gói để sản phẩm ra thị trường có chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch ngày càng tăng của người dân.
|
Quy trình sản xuất nước mắm sạch theo tiêu chuẩn ISO 22.000:2005 tại cơ sở nước mắm Vạn Phần. Ảnh: Bizmedia. |
- Ông đã đối mặt với những khó khăn nào?
- Đối với doanh nghiệp, khó khăn là vấn đề thường trực. Thị trường nguyên liệu giá cao, thời gian chế biến dài, lưu kho lớn, lãi tiền vay cao trong điều kiện thị trường bị cạnh khốc liệt nên doanh thu giảm sút. Đặc biệt, sau khi cổ phần hóa, tiền vốn chưa đầy 800 triệu đồng, công ty không có tài sản thế chấp nên có thời điểm đứng trên bờ vực phá sản. Vì vậy, bài toán về tạo điều kiện để ổn định sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho lao động, xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp... là những vấn đề mà lãnh đạo công ty phải giải quyết.
- Ông đang phát triển các dòng sản phẩm nào?
- Công ty cung cấp ra thị trường 4 dòng gồm nước mắm hạng 2 có hàm lượng đạm 10 độ đạm trở lên; nước mắm hạng 1 có hàm lượng 15 độ đạm trở lên; nước mắm thượng hạng có hàm lượng đạm 25 độ trở lên; nước mắm đặc biệt có hàm lượng đạm từ 30 độ trở lên. Ngoài ra, công ty có nước mắm Vạn Phần hạ thổ nguyên chất được chế biến từ cá cơm tươi, giàu dinh dưỡng.
|
Quy trình đóng chai dòng sản phẩm nước mắm Vạn Phần. Ảnh: Bizmedia. |
Sản phẩm chính của công ty là "Nước mắm Vạn Phần" với sản lượng mỗi năm đạt trên 1,5 triệu lít. Trong đó, khoảng 70% được tiêu thụ ở Nghệ An, 25% ở các tỉnh từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam đến Hà Nội, Quảng Ninh, Tuyên Quang... và 5% còn lại là xuất khẩu qua Malaysia, Lào, Angola…
Ngoài nước mắm, công ty còn chế biến mắm tôm, sứa... phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc. Tổng doanh thu mỗi năm của công ty đạt gần 20 tỷ đồng.
Nhờ thực hiện tốt công tác chất lượng nên sản phẩm được đông đảo khách hàng ưa chuộng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân trên 20% mỗi năm và là đơn vị đủ điều kiện tiếp nhận sử dụng quản lý nhãn hiệu "Nước mắm Vạn Phần".
Công ty còn được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 năm 2017; giải Bạc chất lượng quốc gia năm 2015, được Bộ Công thương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu câp quốc gia năm 2015...
Vũ Đậu