Thứ sáu, 6/12/2024
Thứ hai, 23/9/2019, 00:00 (GMT+7)

Nông dân làm giàu từ trà hoa vàng Ba Chẽ

Doanh thu từ trà hoa vàng Ba Chẽ, Quảng Ninh đạt hơn 6 tỷ đồng, sản lượng hoa tươi đạt 3 tấn, lá trà tươi đạt 20 tấn mỗi năm. 

Từ năm 2015, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu quy hoạch vùng trồng dược liệu. Tính đến cuối năm 2018, diện tích trà hoa vàng của Ba Chẽ đã đạt 146ha, trong đó trên 50 ha đã cho thu hoạch hoa trà và hơn 60ha là thu hoạch lá trà. Dự kiến năm 2019 này, huyện sẽ trồng hơn 40ha trà hoa vàng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trồng hơn 300ha cây trà hòa vàng.

Theo ông Nguyễn Công Quyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh thì: "Huyện Ba Chẽ cũng là vùng được tỉnh xác định là một trong những vùng trọng điểm về phát triển cây dược liệu, đến năm 2030 thì quy hoạch của huyện phát triển đến 3.200ha, trong đó, trà hoa vàng là một trong 3 cây chủ lực".

Trà hoa vàng vốn là loại cây mọc tự nhiên trong rừng Ba Chẽ, Quảng Ninh từ rất lâu. Với giá trị được khẳng định và giá trị ổn định, hiện nay, cây trà hoa vàng đã đem lại một nguồn thu nhập ổn định cho người dân Ba Chẽ.

Theo "Camellia International Journal" - Tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u, giảm hàm lượng cholesterol trong máu, giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hoà huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường". Với giá trị kinh tế cao, hiện loài cây này được bà con đưa vào trồng đại trà trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Đây cũng là sản phẩm hiếm hoi của tỉnh Quảng Ninh được công nhận là địa chỉ xanh.

Trà hoa vàng sau khi được sấy khô. Ảnh: Hà Chi.

Trà hoa vàng sau khi được sấy khô. Ảnh: Hà Chi.

Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm sản Đạp Thanh tại thôn Xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, sản phẩm trà hoa vàng được bán ở trong nước, không phụ thuộc Trung Quốc và giống cây hiện nay bán rất tốt. Hoa không đủ bán, không đủ đáp ứng trên thị trường nên về cơ bản phát triển rất thuận lợi với người nông dân. Các tỉnh thành trong khu vực miền Nam hay Thái Nguyên, Phú Thọ đã và đang phát triển rất tốt sản phẩm này.

Tuy nhiên dù có lợi nhuận lớn, nhưng để mở rộng diện tích trồng loại hoa này cũng không hề dễ vì giá thành cây giống cao, dao động từ 25 - 30.000 đồng mỗi cây nên chi phí ban đầu lớn, thời gian trồng đến thu hoạch hơn 3 năm, đòi hỏi người trồng phải có nguồn vốn lớn.

Cùng với đó, hiện mỗi năm, Công ty Cổ phần Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh tại huyện Ba Chẽ chỉ có thể cung cấp khoảng 80.000 cây giống các loại, đáp ứng 10 - 20% nhu cầu. Đa số các hộ vẫn tự tìm cây giống tự nhiên trên rừng, hoặc mua nơi khác.

Vườn ươm cây Trà hoa vàng của Công ty Lâm sản Đạp Thanh. Ảnh: Hà Chi.

Vườn ươm cây Trà hoa vàng của Công ty Lâm sản Đạp Thanh. Ảnh: Hà Chi.

Bên cạnh giá trị kinh tế cao, cùng với một số loại cây khác, trà hoa vàng cũng được xác định là một loại dược liệu quý. Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược liệu – Bộ Y tế, Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh khẳng định: "Tại Quảng Ninh có khoảng trên 900 loài dược liệu, trong đó nhiều loại rất quý như là ba kích, trà hoa vàng... Vì vậy, hiện tỉnh cũng đang tập trung nguồn lực để phát triển cây dược liệu thành thế mạnh của tỉnh và phát huy giá trị kinh tế, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như là tham gia phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu vùng xa".

Hà Chi

Chia sẻ bài viết qua email