Khô cá lóc dai thơm đặc trưng vùng sông nước
Thớ thịt đậm đà, dai thơm của món khô cá lóc Tam Nông, Đồng Tháp được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng như khô cá kho, khô cá nướng, khô cá nấu canh chua, gỏi khô cá...
Khô cá lóc vốn là sản vật phổ biến tại vùng sông nước Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, với vị trí cửa ngõ sông Tiền, sản vật mùa nước nổi phong phú, huyện Tam Nông, Đồng Tháp là vùng đất phát triển nghề đánh bắt và làm khô cá hơn những nơi khác.
Vào mùa mưa, nước nổi tràn đồng, cá lóc xuất hiện nhiều, người dân đánh bắt ăn không hết nên nghĩ ra cách sơ chế, ướp muối rồi đem phơi để dành. Dần dần, với kỹ thuật tẩm ướp, phơi cá công phu, sản phẩm khô cá ngày càng được nhiều người biết đến và trở thành một sản vật của miệt đồng. Từ món ăn bình dị được dùng trong bữa cơm của các gia đình, nghề làm khô cá lóc giúp nhiều hộ dân Tam Nông duy trì và phát triển cuộc sống.
Trước đây, bà con làm khô cá chủ yếu bằng cách sơ chế, tẩm ướp muối hạt cho vừa vị rồi đem phơi nắng. Đến nay, quy trình này được đầu tư công phu và kỳ công hơn. Cụ thể, cá lóc sau khi làm sạch cho hết nhớt, được mổ bỏ ruột và xẻ làm đôi từ phía sống lưng. Những đôi bàn tay khéo léo tiếp tục róc hết phần xương sống của cá bỏ đi, sau đó mới bắt đầu tẩm ướp.
Miếng khô cá sau khi trải qua các công đoạn chế biến. Ảnh: Bizmedia. |
Thay vì dùng muối như trước đây, để khô cá lóc có vị đậm đà hơn, người làm sử dụng thêm nhiều loại gia vị tẩm ướp như mắm, ớt, sả, nghệ. Sau khi gia vị thấm đều, người làm mang miếng cá phơi dưới nắng. Trong suốt quá trình phơi, người làm phải để ý lật miếng cá, giúp cá chín đều các mặt. Nếu nắng to, khô cá sẽ chín sau 3 - 4 ngày. Nếu làm cá vào mùa mưa thì thời gian phơi lâu hơn, tới khi cá se hết mặt mới mang cất trữ.
Khô cá được làm từ cá tươi cho màu sắc đều, đẹp, tự nhiên, nhìn kỹ thấy phần thịt có màu hơi trong. Khô ngon sẽ không quá cứng hay quá mềm mà có độ dai vừa đủ, có mùi thơm và độ ngọt đặc trưng, đồng thời cho vị vừa miệng.
Khô cá lóc ngày nay được biến tấu thành nhiều món ăn cho hợp khẩu vị của nhiều người. Theo đó, người dùng vừa có thể làm đồ ăn mặn với món kho khan (có gia vị) hoặc kho với thịt ba chỉ, vừa làm mồi nhậu khi đem chiên, nướng; rồi làm canh chua, canh mẻ hoặc xé trộn làm gỏi...
Với hương vị thơm ngon, lại có thể tận dụng để chế biến nhiều món ăn nên khô cá lóc ngày càng được nhiều người đón nhận. Để đáp ứng nguồn cung, người dân Tam Nông chủ động nuôi cá lóc lấy nguyên liệu làm khô cá.
Tại Tam Nông, cơ sở Tứ Quý ở ấp Thống Nhất, xã Phú Thọ là một trong những điểm sản xuất và chế biến khô cá lóc quy mô lớn. Để đảm bảo tạo ra sản phẩm sạch, toàn bộ quy trình nuôi, thu hoạch, sơ chế rồi chế biến, đóng gói khô cá lóc tại cơ sở đều được thực hiện theo quy trình khép kín. Với việc xây dựng hệ thống sấy, thay vì mất 3 - 4 ngày như cách phơi truyền thống, cơ sở chỉ mất khoảng 20 - 24 tiếng là có thể sấy hoàn thiện một mẻ sản phẩm. Mặt khác, khô cá lóc sản xuất theo phương pháp này còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tham khảo quy trình chế biến khô cá lóc trong clip dưới đây:
Vũ Đậu