Chè quý hiếm giá 2 triệu đồng mỗi kg trên núi đá Tủa Chùa
Loại chè shan tuyết phải hái lúc lá còn ngậm sương mai, duy nhất vào mùa xuân.
Tủa Chùa (Điện Biên) là một trong những vùng chè shan tuyết nổi tiếng ở nước ta. Cách đây vài năm trước, bà con miền núi chưa biết về hiệu quả của cây trồng, nên đã đốn hàng loạt gốc chè cổ để trồng khoai, sắn. Nhiều thương nhân sành sỏi đã tìm đến đây thuyết phục nông dân bảo tồn giống chè quý này.
Quê ở Thái Nguyên, nhưng ông Phan Trọng Nhất - Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất lại mê vị chè shan tuyết trên núi đá Tủa Chùa. Ông là một trong những người đưa loại chè này ra thị trường trong nước và quốc tế.
- Chè shan Ttuyết "5 cực" ở Tủa Chùa đắt giá thế nào?
- Chè shan tuyết cổ thụ được bán với giá -200.000-400.000 đồng mỗi kg. Còn loại chè shan tuyết đặc biệt thu hái vào mùa xuân được gọi là chè “5 cực”: Cực khổ, cực ngon, cực đẹp, cực sạch và cực đắt. Mỗi kg chè khô có giá 2 triệu đồng.
|
Những cây chè cổ thụ mọc cheo leo ở núi đá Tủa Chùa. Ảnh: Bizmedia |
Đây là loại chè đỏ quý hiếm, khi pha nước không có màu xanh đẹp mắt, nhưng lại có hương vị thơm ngon khác lạ. Chè được thu hái vào thời điểm sáng sớm mùa xuân, khi chưa có ánh mặt trời, lá chè vẫn còn ngậm sương.
Mùa xuân là thời điểm chè hấp thụ được tinh túy của trời đất nhiều nhất. Mỗi ngọn chè chỉ hái đúng một tôm và tuyệt đối không được làm dập nát. Loại chè này cũng phải sao bằng loại than đặc biệt trong nhiệt độ nhất định, mới có thể tạo ra được mùi hương thơm rất riêng.
- Cơ duyên nào đưa ông đến với chè shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa?
- Tôi không phải là người sinh ra và lớn lên ở Tủa Chùa. Trong vài lần đi buôn chè lên đây, tôi được nếm hương vị và nhận thấy tiềm năng của loại chè này còn vươn xa hơn nữa. Năm 2009, tôi quyết định thành lập công ty chuyên thu mua và chế biến chè shan tuyết Tủa Chùa để cung ứng ra thị trường.
Hái chè shan tuyết trên núi đá cheo leo Tủa Chùa
- Ông gặp những khó khăn ban đầu gì?
- Thời gian đầu, sản lượng chè không ổn định, bởi cây hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Nếu thời tiết thuận lợi, cây phát triển tốt và cho năng suất cao. Song nếu bất lợi như năm nay thì sản lượng sẽ giảm.
Ngoài ra, vận chuyển chè từ Tủa Chùa về thành phố Điện Biên khá vất vả. Mặc dù đoạn đường chỉ 30km, nhưng đường đất toàn ổ gà, đá tảng. Vào mùa mưa, rất ít tài xế dám chạy lên Tủa Chùa.
- Vậy ông làm cách nào tìm đầu ra cho sản phẩm?
- Thời điểm đầu khi mới khởi nghiệp, chúng tôi bán chè rất khó. Lúc đó, chè shan tuyết ở những nơi khác đã có thương hiệu từ lâu, còn chè Tủa Chùa là cái tên quá ít người biết đến.
Ngoài ra, hương vị của chè shan tuyết Tủa Chùa kén người uống. Phải dân sành chè mới có thể thưởng thức được. Tôi bắt đầu tự mày mò đi chào hàng, tạo mối làm ăn, tham gia các hội nhóm thưởng chè trên khắp cả nước. Sau đó, bắt đầu giới thiệu về sản phẩm chè của mình.
Mọi người uống thử và nhận được hiệu ứng tốt. Dần dần, chè shan tuyết Tủa Chùa cũng được giới thưởng chè biết đến, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan. Hiện nay, sản phẩm chủ yếu phân phối ở khu vực TP HCM, Đài Loan, Trung Quốc.
|
Ông Nhất cùng công nhân đóng chè. Ảnh: Bizmedia |
- Hiện nay, ông hợp tác với bà con như thế nào?
- Công ty liên kết với bà con Tủa Chùa, nông dân có trách nhiệm thu hái, sơ chế lần một bằng hình thức xao chè. Sau đó công ty sẽ xuống trực tiếp thu mua, vận chuyển lên nhà máy chế biến, đóng bao bì và phân phối ra thị trường… Sản lượng trung bình hàng năm dao động 2,5-3 tấn chè.
Hạnh Nguyên