Giấc ngủ ngon, sâu có lợi ích tăng cường hệ thống miễn dịch. Điều này không chỉ giúp cải thiện tâm trạng mà còn có nhiều chức năng khác như tăng độ nhạy insulin, điều hòa hormone, thậm chí là kiểm soát cân nặng. Do đó, Học viện Y học về Giấc ngủ Mỹ khuyến nghị lứa tuổi thanh thiếu niên cần ngủ từ 9-12 tiếng, bắt đầu đi ngủ từ khoảng 8-10 giờ mỗi đêm.
Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại cùng sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi về nội tiết tố khiến những người trẻ có thói quen thức khuya nhiều hơn. Vì vậy, các nhà khoa học gọi nhóm người thích thức khuya và ngủ nướng vào buổi sáng là "cú đêm". Theo một cuộc khảo sát trên Healthline cho thấy có đến 73% học sinh trung học thường xuyên rơi vào trạng thái này.
Nhiều nghiên cứu chứng minh việc thức khuya và dậy muộn vào sáng hôm sau sẽ vô tình phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể, từ đó khiến hoạt động nội tiết của cơ thể bị xáo trộn. Một trong những thay đổi thường thấy của người thức khuya hoặc ngủ quá ít là tình trạng thiếu năng lượng, mệt mỏi, giảm sức đề kháng... Thậm chí, hành động này còn làm trầm trọng các triệu chứng dị ứng và hen suyễn.
Để làm rõ mối nguy hiểm này, các nhà khoa học tại Canada thực hiện một cuộc nghiên cứu trên dữ liệu từ 1.684 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13-14. Kết quả công bố trên chuyên san ERJ Open Research cho thấy người trẻ mắc hội chứng "cú đêm" thường có mức độ thở khò khè cao hơn. Bên cạnh đó, nhóm trẻ thức khuya cũng có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và nhiều triệu chứng hô hấp hơn. Nghiên cứu còn cho thấy nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cao gấp đôi ở những người ngủ muộn so với những người ngủ sớm.
TS Subhabrata Moitra, thuộc bộ phận Nghiên cứu chăm sóc sức khỏe phổi tại Đại học Alberta (Canada), là tác giả của nghiên cứu cho biết: "Kết quả của chúng tôi đã cho thấy mối liên hệ giữa thời gian ngủ và bệnh hen suyễn ở thanh thiếu niên. Bởi lượng hormone "giấc ngủ" melatonin thường không đồng bộ ở những người ngủ muộn, điều đó có thể ảnh hưởng đến phản ứng dị ứng của thanh thiếu niên".
Cải thiện giấc ngủ
Các nhà khoa học khuyến nghị việc điều chỉnh số giờ ngủ hợp lý là hành động hữu ích để cải thiện triệu chứng dị ứng và hen suyễn. Bởi vậy, mỗi người cần có lịch trình học tập, làm việc hợp lý, tránh ngủ dưới 6 tiếng mỗi ngày. Dưới đây là những gợi ý giúp bạn trẻ tập thói quen ngủ sớm:
Chế độ ăn uống: một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều loại rau, trái cây có thể cung cấp lượng vitamin, chất dinh dưỡng được khuyến nghị hàng ngày, góp phần mang lại giấc ngủ ngon. Do đó, mỗi người nên bổ sung các loại thực phẩm như kiwi, cá béo, loại hạt và cắt giảm lượng caffein vào buổi tối.
Thay đổi tư thế ngủ: Việc ngủ đúng tư thế sẽ giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Vì vậy, mỗi người nên duy trì một tư thế ngủ thích hợp; tránh nằm sấp vì dễ gây cản trở đường thở. Ngoài ra, lượng không khí trong phòng cũng là điều cần chú trọng. Theo chuyên gia, không gian sạch sẽ và thông thoáng sẽ tạo điều kiện đưa cơ thể đi vào giấc ngủ.
Hạn chế tiếp xúc ánh sáng xanh: thói quen sử dụng thiết bị điện thoại thông minh là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc điều tiết của mắt. Vì vậy, mỗi người nên xây dựng thói quen tiếp nhận ánh sáng mặt trời nhiều hơn, tắt các thiết bị di động vào buổi tối.
Huyền My (Theo Verywell Health, Science Daily)