Lão hóa não có rất nhiều tác nhân gây nên như thiếu ngủ, căng thẳng, dùng thuốc hoặc trầm cảm... Thói quen ăn uống theo thời gian có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm trí nhớ và chức năng nhận thức, có liên quan đến lão hóa não. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống đóng vai trò trong việc tác động đến sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer.
Tiến sĩ, bác sĩ Uma Naidoo (Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ) chia sẻ ăn thực phẩm không lành mạnh thường xuyên có thể ảnh hưởng xấu đến trí não, tăng khả năng mắc các chứng rối loạn khác liên quan đến lão hóa như bệnh tim, tiểu đường type 2 và ung thư.
Một trong những cách thức ăn ảnh hưởng đến chức năng nhận thức là thông qua kết nối não - ruột. Sự không cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong hệ vi sinh vật ảnh hưởng đến hóa học não, nhất là các chất dẫn truyền thần kinh như noradrenaline, serotonin và dopamine. Từ đó, chúng có thể ảnh hưởng đến học tập và trí nhớ.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch châu Âu cho thấy tiêu thụ thịt đỏ quá mức có thể làm tăng mức trimethylamine N-oxide (TMAO), một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa vi khuẩn đường ruột. Hợp chất này gia tăng có thể liên quan đến nguy cơ đau tim và đột quỵ cao hơn. Hệ vi sinh không lành mạnh cũng có liên quan đến chứng viêm mạn tính bao gồm viêm não, có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến não. Tiến sĩ Naidoo viết trong cuốn sách This is Your Brain on Food rằng những thay đổi trong vi khuẩn đường ruột có thể làm tăng chất lắng đọng amyloid, góp phần gây ra bệnh Alzheimer.
Dưới đây là những loại thực phẩm nếu ăn quá nhiều có thể không tốt cho não.
Đường mía và siro ngô có hàm lượng fructose cao
Fructose là đường trong trái cây có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng cũng có trong đường mía và siro ngô với hàm lượng fructose cao (HFCS), chất tạo ngọt dạng lỏng rẻ tiền mà các nhà sản xuất thực phẩm dùng để cải thiện hương vị. Đường mía và loại siro này rất phổ biến trong nước ngọt, kẹo, gia vị, nước trộn salad, súp đóng hộp, bánh nướng và các loại thực phẩm chế biến khác. Nó có thể tác động xấu đến não trong nhiều năm nếu ăn uống quá mức.
Nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) năm 2018 trên loài gặm nhấm cho thấy, sử dụng một liều lượng lớn fructose có thể làm thay đổi khả năng truyền tín hiệu của các tế bào não, gây mất trí nhớ. Tác giả nghiên cứu Fernando Gomez-Pinilla cho biết ăn nhiều fructose trong thời gian dài có thể làm thay đổi khả năng học và ghi nhớ thông tin của não bộ.
Thực phẩm chế biến sẵn
Một nghiên cứu đăng trên Hiệp hội bệnh Alzheimer (Mỹ) vào đầu tháng 8 cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ hơn 20% lượng calo hàng ngày từ thực phẩm chế biến nhanh với khả năng suy giảm nhận thức, trí nhớ. Khi theo dõi 8.160 người tham gia trong 9 năm, những người đàn ông và phụ nữ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn giảm nhanh hơn 8% so với nhóm còn lại về trí nhớ, khả năng chú ý, nói trôi chảy và thị giác. Thực phẩm chế biến sẵn bao gồm thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn, khoai tây chiên và bánh quy, kem, bánh mì mua tại cửa hàng, bánh quy, hỗn hợp bánh, ngũ cốc, đồ ăn nhanh đóng gói...
Thực phẩm chiên
Thực phẩm chiên, khoai tây chiên, gà chiên, bánh quy tẩm bột chiên giòn, đậu bắp chiên... được sử dụng rất nhiều trên thế giới. Những người có chế độ ăn nhiều đồ chiên nhất đạt điểm thấp nhất trong các bài kiểm tra về trí nhớ và nhận thức. Đây là kết quả nghiên cứu công bố trên Tạp chí Khoa học Dinh dưỡng với hơn 18.000 người ở khu vực Đông Nam của Mỹ - nơi có số lượng đột quỵ cao và trong thực đơn ăn uống có nhiều thực phẩm chiên. Thực phẩm chiên cũng là một trong những loại dễ gây viêm nhất. Mối liên hệ giữa chúng với tình trạng viêm cũng đã có nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy.
Kim Uyên
(Theo Eat This Not That)