Có nhiều yếu tố tác động đến việc suy giảm nhận thức, sức khỏe não bộ như tình trạng tâm thần, thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng, một số loại thuốc, lạm dụng chất kích thích, chấn thương não, nhiễm trùng, ô nhiễm không khí... Trong đó, tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất. Càng về già, khả năng suy giảm các chức năng não như suy nghĩ, trí nhớ, khả năng tập trung của mỗi người có xu hướng kém đi. Dưới đây là 5 thói quen sống nếu bạn thay đổi có ích cho não, theo The Health Site (Mỹ).
Cải thiện đời sống xã hội: Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người ở một mình có nhiều khả năng bị suy giảm nhận thức hơn người có mối quan hệ xã hội rộng rãi. Một người thường xuyên giao tiếp có cơ hội học hỏi nhiều vấn đề, suy nghĩ, tư duy giúp não hoạt động liên tục, giảm nguy cơ suy giảm nhận thức theo độ tuổi.
Giảm căng thẳng: Một người gặp quá nhiều căng thẳng có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức. Khi căng thẳng, con người thường tìm đến các suy nghĩ tiêu cực, nó kích hoạt các gene làm tăng tốc độ lão hóa não. Bạn nên tránh xa những tác nhân gây căng thẳng để đầu óc luôn nhạy bén và trí nhớ minh mẫn.
Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống quan trọng đối với sức khỏe não bộ. Nếu bạn ăn uống thiếu dinh dưỡng, khả năng nhận thức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tăng cường trí não như vitamin K, lutein, axit béo omega-3, folate và beta carotene.
Duy trì sức khỏe răng miệng tốt: Vệ sinh răng miệng kém ngoài nguy cơ sâu răng và bệnh nướu răng còn là yếu tố nguy cơ của chứng sa sút trí tuệ. Chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt là điều quan trọng để có một bộ não khỏe mạnh.
Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ chất lượng cần thiết cho não bộ hoạt động bình thường. Chất lượng giấc ngủ kém có liên quan đến việc suy giảm nhận thức nhanh hơn. Bạn nên thường xuyên ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để duy trì sức khỏe não bộ ổn định.
Anh Chi (Theo HealthSite)