Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden vừa có đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 20 xuống còn 10 năm để người lao động sớm hưởng lương hưu. Đề xuất này cũng phù hợp với chủ trương giảm năm đóng BHXH của trung ương. Nghị quyết 28 năm 2018 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH nêu định hướng giảm dần số năm đóng từ 20 xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm đóng BHXH thấp tiếp cận chế độ hưu trí.
Nói về đề xuất này, độc giả Donam chia sẻ quan điểm: "Vấn đề mấu chốt ở đây là số tuổi nghỉ hưu chứ không phải số năm đóng BHXH. Dù có đóng 40 năm, 35 năm, 25 năm, 20 năm, 15 năm hay cuối cùng là 10 năm đi nữa, nhưng tuổi hưu vẫn là 62 tuổi thì việc giảm số năm đóng BHXH xuống cũng không có ý nghĩa gì.
Cái mà đại đa số người lao động mong muốn hiện nay là điều chỉnh tuổi hưu phù hợp để người lao động không còn phải rút BHXH một lần nữa, để người lao động thấy được giá trị của việc đóng BHXH. Theo tôi nên quy định mốc thời gian đóng BHXH cứ đủ 20 năm là cho người lao động tự quyết định làm tiếp để hưởng phần trăm lương hưu cao hơn hay nghỉ hưu sớm và chỉ lãnh lương hưu tối thiểu là hợp lý nhất".
Đồng quan điểm, bạn đọc Son Anh nhận định: "Giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 10 năm để sớm hưởng lương hưu là không đúng. Vì có giảm số năm đóng BHXH thì người lao động vẫn phải chờ đến 62 tuổi mới được hưởng lương hưu. Có chăng nên có cơ chế cho họ nghỉ hưu sớm nếu đóng đủ 20 năm thì sẽ hợp lý hơn. Ví dụ như nam 50-55 tuổi, đã đóng BHXH được 20 năm có thể nghỉ hưu sớm mà không phải chờ đến 62 tuổi".
Cho rằng việc giảm thời gian đóng BHXH không giải quyết được gốc rễ vấn đề, độc giả Quoc Viet bình luận: "Giảm số năm đóng bảo hiểm không giải quyết được vấn đề mà có khi càng làm tăng số người rút BHXH một lần. Vấn đề cốt lõi là mức lương hưu, và mức thừa kế nếu người nhận lương hưu mất sớm trước và sau khi về hưu. Giá trị đồng tiền đóng bảo hiểm năm 2000 khác hoàn toàn với mức nhận lương năm 2040 do chêch lệch trượt giá và lạm phát".
>> Lương hưu linh hoạt cho người lao động
Lo ngại những bất lợi cho người lao động khi giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm, bạn đọc Nguyen Duy Truong phân tích: "Đề xuất thời gian đóng BHXH chỉ còn 10 năm cũng có khía cạnh nhân văn nhưng mặt trái của nó rất bất lợi cho người lao động. Vì sẽ có quy định khi đủ năm đóng BHXH để nhận lương hưu là người lao động sẽ không được rút một lần nữa. Như vậy, giả sử người lao động mới 40-45 tuổi, đang thất nghiệp và cần một khoản tiền sinh sống, họ sẽ không được rút BHXH một lần, trong khi lại chẳng có nguồn thu nào trong 20 năm tiếp theo, cho đến khi đủ 60-62 tuổi".
"Cần có phương pháp giải quyết cốt lõi của vấn đề, đó là việc làm cho lao động từ tuổi 40 đến 60 tuổi. Các doanh nghiệp thường sa thải người lớn tuổi hoặc không tuyển dụng họ. Như vậy, người lao động sẽ có nguy cơ bơ vơ hơn 10 năm trong khi chờ lương hưu. Nếu có việc làm đều đến khi nghỉ hưu, tôi tin không ai rút BHXH một lần cả. Đóng 10 năm hay 20 năm suy cho cùng cũng chỉ là vấn đề trước mắt", độc giả Đình Khánh nói thêm.
Làm gì để đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm phát huy được hiệu quả? Bạn đọc Vinh Nghi Ha nhấn mạnh: "Theo tôi, giảm thời gian đóng BHXH xuống 10 năm sẽ chỉ có hiệu quả nếu đi kèm với chính sách cho những người trên 40 tuổi có việc làm. Bởi như vậy, nếu công nhân đi làm năm 40-45 tuổi, có hoàn toàn có thể chờ tới 60 tuổi để bắt bắt đầu hưởng lương hưu. Nhưng vấn đề chính ở đây là rất ít công ty chịu thuê người lao động ngoài 40 tuổi, vấn đề cốt lõi nằm ở đó. Nếu giải quyết được tồn tại này, tôi tin quy định thời gian đóng BHXH từ 10 đến 15 năm mới có giá trị".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.