Đa số lao động hiện nay làm việc chân tay, nhiều người tham gia BHXH sớm, đóng thời gian dài với mức cao. Đến độ tuổi ngoài 55, sức khỏe họ giảm sút, khó đáp ứng công việc và dễ bị đào thải. Nếu phải chờ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi), người lao động khó đảm bảo cuộc sống; còn xin về hưu trước tuổi, họ lại bị trừ 2% cho mỗi năm nghỉ sớm.
Đề xuất cho công nhân hưởng lương hưu sớm theo nguyện vọng để rút ngắn khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi hưu được nhiều người xem là giải pháp cho tình trạng này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc cho phép hưởng lương hưu sớm dù có thể tốt cho người lao động, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho BHXH vì nguy cơ vỡ quỹ rất cao.
Hiện nay, tuổi hưu cao, trong khi quy định nhận lương hưu lại quá cứng nhắc. Đương nhiên, đối tượng thiệt thòi nhất chính là người lao động đã đóng BHXH lâu năm, nhưng bị mất sức lao động, hoặc mất việc làm, không thể xin việc lại. Thực tế, với tuổi thọ và tình trạng bệnh tật, sức khỏe của người dân như ngày nay, số năm được hưởng lương hưu của người lao động vẫn là một vấn đề còn nhiều trăn trở.
Rất nhiều người sợ không chờ được đến lúc lĩnh lương hưu, hoặc chỉ lĩnh được vài năm là mất. Nếu quy định quá cứng nhắc, chắn chắn người ta sẽ phải tìm hướng đi khác có lợi hơn thay vì ngồi chờ lương hưu. Và một trong những cách dễ nhất chính là rút BHXH một lần, làm gia tăng nguy cơ mất cân bằng quỹ an sinh.
Thế nên, chúng ta cần một giải pháp để có thể dung hòa được quyền lợi của người lao động mà vẫn đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, bền vững cho quỹ BHXH. Tức là, BHXH cần phải có những quy định mềm hơn, linh hoạt hơn để giải quyết được quyền lợi cho đa dạng nhóm người lao động. Ví dụ, chúng ta có thể nghiên cứu cho phép hạ ngưỡng tuổi nghỉ hưu xuống thấp để phù hợp hơn với điều kiện của người lao động.
>> 'Giảm thời gian chờ lương hưu để thêm động lực đóng BHXH'
Tất nhiên, việc này sẽ kéo theo nhiều rủi ro vỡ quỹ an sinh. Do đó, bên cạnh việc hạ tuổi hưu, cũng cần điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu xuống thấp để duy trì cân bằng cho quỹ BHXH. Theo tôi, nên áp dụng mức lũy tiến hưởng lương hưu theo từng năm đóng BHXH.
Ví dụ, có thể giới hạn thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là 10 năm, nhưng mức hưởng lương hưu khi đó chỉ bằng 10% trung bình tiền lương đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng sẽ tăng dần theo từng năm đóng BHXH. Như vậy, một mặt vẫn đảm bảo công bằng, cân bằng được quỹ BHXH, mặt khác vẫn đáp ứng được nhu cầu hưởng lương hưu sớm của một bộ phận người lao động.
Một giải pháp nữa là điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu giữa các thành phần trong nền kinh tế, đảm bảo công bằng theo hướng "đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều". Hiện nay, một số khối ngành, có tình trạng đóng ít nhưng hưởng lương hưu cao, và là nguyên nhân gây mất cân bằng quỹ an sinh.
Ngoài ra, quỹ BHXH cũng phải siết chặt quản lý, chi tiêu, hạ mức chi phí quản lý xuống thấp nữa thì mới tiết kiệm được. Quỹ cũng cần có báo cáo tài chính công khai và giải trình chi tiết hoạt động thu chi, đầu tư hàng năm để đảm bảo minh bạch, tăng lòng tin nơi người lao động. Nhất thiết phải có chỉ tiêu chi phí và định mức đối với bộ máy quản lý quỹ BHXH để nâng cao hiệu quả hoạt động.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.