Tôi cho rằng, lý do chính của việc quá nhiều lao động rút BHXH một lần phần lớn là do tuổi hưu đang quy định ở mức cao, trong khi sức khỏe người lao động lại bị giảm đi qua từng năm. Thực tế, tới độ tuổi 40 đến 50, người lao động hoặc là sức khỏe kém, không đủ khả năng làm việc; hoặc là bị doanh nghiệp tìm cách cho nghỉ việc để giảm bớt gánh nặng khi năng suất lao động đi xuống.
Phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng, tiền lương hiện nay cho người lao động không đủ để họ sống dư dả, khi đụng đâu cũng thấy tiền phải chi: nào tiền thuê nhà, tiền học cho con, tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tiền điện nước, tiền thuốc men bệnh tật, tiền đình đám, tiền gửi về lo cho cha mẹ già, tiền này tiền kia... rất nhiều thứ lo. Dẫn đến người lao động không có tiền và thời gian để tái tạo lại sức lao động, dẫn tới năng suất đi xuống kèm theo sức khỏe ngày một suy giảm.
Ở tuổi tứ tuần, lại mất việc, không tìm được việc làm mới, vậy người lao động biết lấy tiền đâu để lo cho gia đình? Thế nên, họ chọn rút BHXH một lần để lo cho những khó khăn hiện hữu ngay trước mắt, thay vì nghĩ tới những thứ xa xôi như chờ lương hưu.
Thế nên, tôi cho rằng, điều chỉnh lại tuổi nghỉ hưu, tùy vào từng công việc nặng - nhẹ mà quy định số tuổi nghỉ hưu hợp lý là điều cần thiết để kiểm soát tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần. Điều này cũng sẽ phù hợp với những lao động tham gia đóng bảo hiểm trễ và có lợi với những lao động đã tham gia bảo hiểm lâu năm. Ngoài ra, chính sách này cũng sẽ thu hút nhiều người tham gia đóng bảo hiểm hơn khi số tuổi nghỉ hưu không còn là trở lực.
Tôi lo ngại rằng, nếu tuổi nghỉ hưu vẫn cứ tiếp tục neo cao như thế này thì dù có sửa đổi Luật thế nào, thì tỷ lệ rút BHXH một lần vẫn sẽ tăng cao hơn nữa. Vì sau khi rút xong, người lao động sẽ tìm nghề khác để làm kế sinh nhai và không đóng BHXH. Khi có tiền, họ sẽ nghĩ tới bảo hiểm nhân thọ (hấp dẫn và lợi hơn). Lúc đó, quỹ BHXH sẽ mất một nguồn thu rất lớn từ bộ phận người lao động tự do này.
>> 'Giảm tuổi hưu là thất sách'
Còn nếu không muốn giảm tuổi hưu thì phải đảm bảo hai nhu cầu thiết yếu của người lao động. Thứ nhất là tiền lương phải đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống của người lao động, có tích lũy, để họ có thời gian tái tạo sức lao động, tránh nguy cơ giảm năng suất và mất việc ở tuổi tứ tuần. Thứ hai là phải đảm bảo công việc cho người người lao động tới tuổi nghỉ hưu. Khi tinh thần của họ đã ổn định, cuộc sống được đảm bảo, thì họ sẽ yên tâm lao động làm việc với năng suất cao nhất.
Giải pháp của tôi là cứ giữ nguyên số năm đóng bảo hiểm là 20 năm. Sau khi đóng đủ 20 năm, người lao động sẽ được cho nghỉ hưu để phục hồi sức khỏe trước khi làm việc khác. Đây vừa là động lực để người lao động tích cực làm việc, vừa đảm bảo hạn chế việc rút BHXH một lần. Đối với việc người lao động làm đủ 20 năm, nên cho họ hai lựa chọn: làm tiếp để hưởng lương hưu tối đa khi đủ tuổi; hoặc nghỉ hưu với số tiền 45% lương (nếu làm việc kiếm tiền thêm thì sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân bắt buộc khi còn trong độ tuổi lao động).
Tóm lại, hãy lắng nghe và thấu hiểu cho nỗi niềm mong mỏi của người lao động lúc này vì nó sẽ là bước đi tiến bộ của BHXH sau này. Cần phải điều chỉnh lại để quỹ BHXH đáp ứng những nguyện vọng chính đáng cho người lao động, từ đó mới thu hút được nhiều người tham gia, ngăn chặn được nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai.
Luật hiện hành quy định lao động tham gia BHXH dưới 20 năm, sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục đóng BHXH thì được rút một lần. Dự luật sửa đổi giữ nguyên quy định này và bổ sung phương án cho người lao động rút 50% tổng thời gian đóng, một nửa còn lại bảo lưu trong hệ thống để đến khi về hưu sẽ được hưởng quyền lợi.
Nếu bảo lưu, người lao động có bốn lựa chọn: tiếp tục đi làm và đóng BHXH sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu; người đủ tuổi nghỉ hưu chưa đủ năm đóng BHXH được chọn đóng một lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng hoặc tiếp tục rút BHXH một lần.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.