Trả lời:
Thoái hóa khớp háng xảy ra khi lớp sụn khớp bị bào mòn bởi nhiều yếu tố khác nhau, gây đau dai dẳng, ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống.
Người bệnh nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao và thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo đúng chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp tăng cường lưu thông máu, mang dưỡng chất đến nuôi dưỡng khớp háng; duy trì và tăng cường tính linh hoạt của khớp; nâng cao sức mạnh của các mô cơ xung quanh khớp háng. Tập luyện thể dục thể thao cũng cải thiện tư thế và khả năng giữ thăng bằng của người bệnh, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng tim mạch hoặc đái tháo đường.
Bạn nên đạp xe đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày, tùy theo thể lực. Đây là môn thể thao ít chịu lực đè nén lên khớp háng, thích hợp cho người bệnh thoái hóa khớp.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp gây tàn phế; nứt, gãy xương hông; teo cơ và dây chằng quanh khớp háng; giảm chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần.
Tùy mức độ bệnh, bác sĩ chỉ định dùng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid là lựa chọn hàng đầu nhằm đẩy lùi cơn đau nhẹ. Nếu thoái hóa nặng, người bệnh cần dùng các loại thuốc kê toa. Đôi khi bác sĩ chỉ định tiêm thuốc steroid để giảm sưng đau. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời do thuốc có thể làm phát sinh một số tác động tiêu cực đối với cơ thể nếu sử dụng lâu dài.
Nếu người bệnh được điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả hoặc khả năng vận động và chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật.
Bất kể người bệnh điều trị bằng phương pháp nào, cần lưu ý một số vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày để tránh bệnh phát triển như sử dụng khớp háng quá mức, thực hiện các chuyển động lặp lại gây áp lực lên khớp háng.
ThS.BS.CKI Mai Hoàng Dương
Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM