Hầu hết mọi người đều thở bằng mũi tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhiều người có thói quen thở bằng miệng. Nguyên nhân thở bằng miệng có thể do cấu trúc cơ thể, viêm amidan, bất thường di truyền ở mũi, khối u và cũng có thể do dị ứng.
Nhiều người có thể nghĩ đơn giản rằng, hít thở bằng mũi hay bằng miệng đều giống nhau. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chứng minh thở bằng miệng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Người có thói quen thở bằng miệng hay bị khô miệng, nghĩa là nước bọt không thể rửa sạch vi khuẩn khỏi miệng. Tình trạng này dẫn đến hôi miệng, nhiễm trùng cổ họng, tai, khàn giọng, các bệnh nha chu chẳng hạn như viêm nướu, sâu răng. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, ước tính khoảng 50,9% trẻ em có thói quen thở bằng miệng bị hôi miệng. Những người thở bằng miệng có nguy cơ mắc chứng nói ngọng cao hơn những người thở bằng mũi.
Thói quen thở bằng miệng còn dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp gây ra các vấn đề về huyết áp cao, suy tim. Các nghiên cứu cho thấy thở bằng miệng cũng làm giảm chức năng phổi, làm trầm trọng thêm các triệu chứng và đợt cấp ở những người mắc hen suyễn.
Ngoài ra, người thở bằng miệng có nguy cơ mắc chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ cao hơn. Tình trạng khó nói và khó nuốt cũng xảy ra nhiều ở người hay thở bằng miệng...
Đối với trẻ em, thở bằng miệng nếu không điều trị sớm dễ tạo ra tiền đề cho các vấn đề về hô hấp suốt đời, thay đổi hình dạng khuôn mặt theo chiều hướng mặt dài và hẹp, miệng hẹp, hô, khó khép miệng, tình trạng sai khớp cắn trong răng.
Tờ Healthline cho biết, trẻ em có thói quen thở bằng miệng có thể dẫn đến những bất thường về thể chất và nhận thức. Ngoài ra, trẻ em thở bằng miệng thường không ngủ ngon vào ban đêm. Ngủ kém dẫn đến tăng trưởng kém, khả năng tập trung giảm và rối loạn giấc ngủ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa Quốc tế cho biết thở bằng miệng mạn tính có tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần, thể chất của khỏe, bên cạnh đó chức năng sinh lý, hành vi cũng bị ảnh hưởng.
Người có thói quen thở bằng miệng có thể khắc phục tình trạng bằng cách thường xuyên tạp thở ra và hít vào bằng mũi, giữ mũi sạch sẽ, rửa mũi thường xuyên; giảm căng thẳng để không thở hổn hển bằng miệng; sử dụng gối kê cao đầu khi ngủ, tập thể dục thường xuyên, giảm cân nếu cân nặng vượt giới hạn.
Riêng với người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, ngoài giảm cân cần tránh uống rượu bia; cần dùng thuốc điều trị các vấn đề về xoang và tắc nghẽn.
Nếu bạn nhận thấy mũi thường xuyên bị nghẹt do dị ứng hoặc nhiễm trùng đường hô hấp thì có thể sử dụng đèn xông trong các chuyến đi, dùng thuốc xịt mũi và thuốc thông mũi, thuốc giảm dị ứng khi có dấu hiệu cảm lạnh, dị ứng.
Ngoài ra, nên giữ cho môi trường sống sạch sẽ. Quan trọng nhất là có ý thức tập thở bằng mũi mỗi ngày.
Anh Chi
(Theo Healthline, Medical News Today, WebMD)