ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Lưu, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sau thời gian dài sinh hoạt, khớp háng bên trái của bà Hà yếu đi, khả năng chịu lực giảm, ngày càng đau. Cơ thể tự nhiên dồn trọng lượng sang chân phải, nhất là khớp gối, để giảm áp lực bên trái lâu, ngày dẫn đến thoái hóa khớp gối phải.
Kết quả chụp X-quang cho thấy chỏm xương đùi trái và khớp háng bên trái của bà Hà biến dạng hoàn toàn, chân trái ngày càng ngắn lại. Khớp gối phải bệnh nhân thoái hóa giai đoạn cuối, nguy cơ mất khả năng vận động. Bà Hà còn bị vẹo trục chi, hai chân lệch nhau.

Chụp X-quang cho thấy khớp háng bà Hà vẫn còn các dụng cụ từ lần phẫu thuật trước. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Các bác sĩ chỉ định thay khớp gối nhân tạo bên phải cho bà Hà trước để ngăn tình trạng thoái hóa tiến triển, khôi phục vận động. Bà Hà được thay khớp gối UC (Ultra congruent) bằng kỹ thuật gióng trục cơ học nhằm phân tán đều lực lên toàn bộ khớp, tránh quá tải vùng trong hoặc ngoài khớp, nhờ đó giảm đau và tăng tuổi thọ khớp nhân tạo.
"Khớp UC khi lắp vào cơ thể chỉ cần mài mòn rất ít xương nên bảo tồn xương tối đa", bác sĩ Lưu giải thích. Vùng chịu lực phía trước trong khớp gối UC được thiết kế gồ lên ôm sát lồi cầu đùi nên hạn chế hao mòn và tăng cường sự ổn định cho khớp, phòng ngừa nguy cơ trật khớp. Sau phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh không còn đau ở chân phải, đi lại thoải mái, có thể tập thể dục nhẹ như đi bộ, đạp xe.
Hơn 6 tháng sau, bà nhập viện lần hai để thay khớp háng nhân tạo bên trái. Bên trong khớp háng lúc này có đường sẹo mổ lớn từ ca phẫu thuật kết hợp xương từ nhiều năm trước, cơ cũng bị cắt nhiều. Để đảm bảo độ vững cho khớp háng, tránh nguy cơ trật hay hư lại, bác sĩ thay khớp mới bằng cách đi theo đường mổ cũ, giảm tối đa tổn thương đến các gân cơ còn lại.
Để tìm ra loại khớp phù hợp với người bệnh, bác sĩ sử dụng phần mềm TraumaCad phác thảo lại hình dạng khớp háng, tính toán độ sâu ổ cối, chiều dài chuôi khớp, sau đó quyết định dùng khớp có gờ chống trật để đảm bảo độ vững cho khớp nhân tạo. Ngoài ra, xương của bà Hà rất mềm do bị loãng xương, bác sĩ chọn thay khớp háng nhân tạo chuôi dài thay vì chuôi ngắn như thông thường. Chuôi dài cắm sâu vào ống tủy xương đùi, tăng diện tích tiếp xúc và cố định khớp, phân tán lực tốt hơn, giảm nguy cơ gãy thân xương đùi. Trong quá trình phẫu thuật, chiều dài hai chân của người bệnh được điều chỉnh cân bằng trở lại.
Sau phẫu thuật, bà Hà phải tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ. Quá trình này nhằm cải thiện sức mạnh gân cơ, tập lại các tư thế sinh hoạt đúng để tránh ảnh hưởng đến vận động và tuổi thọ khớp.
Tái khám sau 5 tháng điều trị, bà Hà có thể đi bộ hơn 3 km mà không cần dụng cụ hỗ trợ, đi xe đạp, lên xuống cầu thang thoải mái, sinh hoạt khôi phục gần như bình thường.

Bác sĩ Lưu (ngoài cùng bên phải) thực hiện phẫu thuật thay khớp cho bà Hà. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Lưu khuyến cáo người có tiền sử tai nạn gãy xương, chấn thương... dù đã điều trị thành công vẫn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Điều này nhằm kiểm tra xương đã lành tốt hay chưa, có hay không những tổn thương thứ phát sau các chấn thương ban đầu, sức cơ và khả năng vận động có bị ảnh hưởng hay không, kịp thời phát hiện, can thiệp, tránh các biến chứng nặng nề.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |